Kỳ 1: Vỉa hè của người đi bộ, vỉa hè là chốn mưu sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười đi bộ và khách du lịch đã có thể đi lại khá thoải mái trên phố Hàng Đào. |
Người đi bộ đã có lối đi trên vỉa hè
Với việc ra quân quyết liệt, thường xuyên hơn của lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, kinh doanh buôn bán đã giảm rõ rệt. Trên nhiều tuyến phố, vỉa hè đã phong quang hơn, có lối dành cho người đi bộ.
Tại quận Hoàn Kiếm, trên những tuyến phố quanh khu vực bờ Hồ, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, hay những tuyến phố vốn có vỉa hè nhỏ hẹp như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, vỉa hè cũng đã được “dọn dẹp”, gọn gàng hơn.
Khu vực xung quanh Nhà thờ Lớn, phường Hàng Trống từ lâu đã được biết đến là địa điểm quen thuộc của giới trẻ. Cùng với việc check in Nhà thờ Lớn, thú ngồi trà chanh chém gió cũng thu hút không ít du khách và giới trẻ bấy lâu nay. Để phục vụ số lượng khách đông, các hàng kinh doanh trà chanh thường lấn chiếm hết vỉa hè để bày bàn ghế cho khách ngồi uống.
Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng ra quân “giành” lại vỉa hè, thì theo ghi nhận, tình trạng lấn chiếm đã hạn chế rất nhiều. Các hộ đã phần nào chấp hành quy định, những chiếc ghế đã được thu gọn lại. Du khách, người đi bộ không còn quá khó khăn khi tìm chỗ bước đi trên vỉa hè.
Phố Phủ Doãn cũng từng biết đến là con phố có tình trạng lấn chiếm vỉa hè để bán trà đá, cà phê hoặc các đồ gia dụng diễn ra khá phổ biến. Các hàng trà đá ở đây luôn chật kín người ngồi, được biết, những người “đóng góp” cho sự lấn chiếm vỉa hà của các quán xá ở đây chủ yếu người nhà, bệnh nhân đi khám bệnh ở Bệnh viện Việt Đức.
Lượng khách quá đông, lại ngồi san sát nên nếu không luồn lách, người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường vốn cũng chẳng khi nào bớt lưu lượng xe cộ. Tuy nhiên, khi thành phố ra quân “giành” lại vỉa hè, hình ảnh ghi nhận được là vỉa hè phố Phủ Doãn đã quy củ hơn. Ngoài xe máy được để trên vỉa hè ở vị trí phía ngoài vạch vàng theo quy định, lối đi dành cho người đi bộ khá thông thoáng. Không còn cảnh các hàng trà đá “đu bám” vỉa hè một cách nhếch nhác.
Vỉa hè là chốn mưu sinh
Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là chính đáng, là chủ trương được chính quyền TP Hà Nội quyết tâm thực hiện. Nhưng với không ít những tiểu thương, nhất là đối với những người kinh doanh nhỏ lẻ sống bám vào từng mét vuông vỉa hè ở các con phố, thì việc vỉa hè được trả lại với đúng bản chất của nó lại khiến sinh kế của họ gặp không ít khó khăn.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức (bao gồm cả kinh tế vỉa hè) thu hút 11 triệu lao động, trong đó có những người yếu thế. Vài tiếng bán hàng ở vỉa hè cũng nuôi sống không chỉ bản thân họ mà cả gia đình.
Nặng nề bưng thúng hoa quả dọc các tuyến phố, bà Hoa cho biết, vốn quê bà ở Hà Nam, nhưng bà đã lên đây đến hơn 20 năm. Hai vợ chồng đều là lao động tự do, thuê tạm bợ căn phòng nhỏ ở Phúc Xá để hàng ngày ông kiếm việc thời vụ, còn bà thì trông chờ vào thúng hoa quả với vài cân ổi, ít cân mận cùng vài trái xoài dầm ớt.
Những người như bà thì chẳng bao giờ dám mơ có một chỗ bán hàng cố định như những người may mắn có nhà cửa hoặc thân quen ở các khu phố, bà chỉ dựa vào vỉa hè để kiếm sống. Cái chuyện lực lượng chức năng đến dẹp cũng là chuyện thường, dẹp chỗ này thì bà lánh tạm chỗ khác. Công việc vất vả, tiền kiếm không bao nhiêu, thế nhưng nếu không bám vỉa hè thì biết làm gì để sinh sống.
Cùng câu chuyện, anh Huy, chủ một quán mỳ tại quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, bố mẹ anh nhờ vào cái vỉa hè mà lo cho cả gia đình cùng anh chị em anh nên người. “Cách đây chục năm, cả gia đình 4, 5 người chen chúc trong căn nhà hơn chục m2 tại một con ngõ ở phố Hàng Chiếu. Bố mẹ tôi nuôi chúng tôi cũng chỉ bằng nồi mỳ bán hàng đêm ở vỉa hè, bếp ở vỉa hè, bàn ghế khách ăn cũng vỉa hè… Cho đến khi gia đình bên trong nhà tôi thuyết phục nhà tôi bán nhà cho họ để họ thêm diện tích thì bố mẹ tôi mới gom góp tiền để mua căn nhà vài chục m2 mặt phố để tiếp tục sinh nhai”, anh Huy kể.
Ra nhà mới, nhà có rộng hơn nơi ở cũ vì xây chồng tầng, nhưng để mà bán buôn được vẫn trông chờ vào cái vỉa hè. Vỉa hè để để xe cho khách, vỉa hè để tận dụng thêm vài cái bàn, tiếp thêm vài lượt khách. Đợt COVID-19, cũng có thời điểm gia đình anh lao đao. “Lượng khách cũ cũng không còn nhiều, bởi sau dịch nhiều người hình như bỏ thói quen ăn hàng quán. Vậy nên hơn 1 năm nay quán nhà tôi mới ổn định với lượng khách cũ, mới”, anh nói.
Anh Huy cho biết, không chỉ anh, mà đa phần người dân đều ủng hộ chủ trương dẹp vỉa hè của thành phố. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận, việc dẹp vỉa hè khiến lượng khách của nhà anh giảm đi rất nhiều, thu nhập vì thế cũng ít đi.
Cũng câu chuyện vỉa hè, một chủ quán ở phố Tạ Hiện cho hay, con phố này từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng, nó như một nét văn hóa của người Hà Nội. Bởi cái xô bồ, vui vẻ và thoải mái ấy mà Tạ Hiện nổi tiếng không chỉ với người Hà Nội, nó còn được biết đến bởi du khách cả nước, cũng như du khách nước ngoài. Cái thú len lỏi trên phố mà chẳng rõ đâu là vỉa hè, đâu là lòng phố khiến nhiều người thích thú, vậy nên, việc ăn uống hoặc lê la vỉa hè nó trở thành điều kiện tất yếu để hình thành con phố nhỏ này.
Hầu hết các hộ kinh doanh nhận thức được việc kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè là không đúng quy định. Tuy nhiên, đây đều là những hộ dân sinh sống, kinh doanh lâu năm ở phố cổ. Do diện tích nhà phố cổ chật chội, nên mặc dù diện tích vỉa hè cũng như lòng phố bé, nhưng bởi sinh nhai nên hầu hết các hộ dân đều bám vỉa hè làm nơi sinh hoạt và nơi kinh doanh, buôn bán…
Và cũng chính bởi vì sinh kế của không ít người dân gắn liền với vỉa hè, cho nên việc dẹp vỉa hè bấy lâu nay vẫn chưa thể thực hiện một cách triệt để. Vì cứ khi nào vắng bóng lực lượng chức năng, là đâu lại vào đấy, không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại