Kỳ cuối: Kết hợp giữa kinh tế và văn hóa góp phần tạo nét riêng cho Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột đoạn vỉa hè được thí điểm cho thuê tại Hà Nội |
Vừa qua, Ban Chỉ đạo 197 phường Nhật Tân kiến nghị Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ xem xét cho thuê vỉa hè tại những khu vực đủ điều kiện, bố trí lại khu vực dành cho người đi bộ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Lý giải điều này, ông Công Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, trong thời gian vừa qua, khi phường đi dọn dẹp vỉa hè, trả lại thông thoáng cho người đi bộ thì người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều cửa hàng gặp khó khăn do không có chỗ để xe, lượng khách vào cửa hàng cũng giảm sút.
“UBND phường Nhật Tân cũng nhận được nhiều ý kiến của các hộ kinh doanh đề nghị UBND quận quy hoạch các điểm đỗ xe. Tuy nhiên, trên địa bàn phường hiện nay chưa có điểm đỗ xe được cấp phép, cho nên việc cho thuê vỉa hè là giải pháp cho bài toán tại thời điểm này”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, nếu có thu phí vỉa hè thì cũng cần cân đối lợi ích giữa các bên. “Nếu không quản lý, không cho thuê thì người dân vẫn để tràn lan, lực lượng chức năng suốt ngày phải đi xử lý những trường hợp như vậy, không khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong khi hiện nay, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được mà để như vậy cũng rất lãng phí”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Khẳng định việc cho thuê vỉa hè là cần thiết, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cho rằng, điều này đã được chứng minh từ thực tế suốt bao nhiêu năm qua, được cập nhật, bổ sung và nâng thành chủ trương lớn nhất và mới nhất của TP Hà Nội. Theo ông Phong, qua lời Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng, vỉa hè bao gồm cả sinh kế của người dân, ngoài việc đi lại và văn minh đô thị, đây là quan điểm tốt nhất mà người dân rất đồng tình.
Việc cho thuê vỉa hè nằm trong kinh tế vỉa hè, nhưng làm thế nào để giải quyết những lo ngại việc cho thuê có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực về an toàn cho người đi bộ, giao thông công cộng, an ninh và thẩm mỹ đô thị thì đó là việc của cơ quan chức năng.
TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội |
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thuê vỉa hè bắt buộc phải hài hoà các lợi ích. Tuy nhiên, cũng không thể cứng nhắc bởi thực trạng các vỉa hè ở Hà Nội khác nhau.
Để giải quyết vấn đề đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, thứ nhất, cần phải có 1 chủ trương nhất quán từ trên xuống dưới và thống nhất thành quy hoạch chung của thành phố cho các khu vực, các phố, tuyến phố và cụ thể hoá từng phường, từng vỉa hè. Với diện tích như nào thì được kết hợp cả 3 mục tiêu (trật tự văn minh đô thị, đi lại của người đi bộ và kinh tế vỉa hè), diện tích như nào thì chỉ có mục tiêu đi bộ thôi chứ không phải cứ 3 mục tiêu áp vào các vỉa hè rộng và vị trí khác nhau.
Thứ hai, phải đảm bảo kinh tế vỉa hè gắn liền với văn minh thương mại và chỗ để xe. Do đó không nhất thiết là cứ ở đâu có vỉa hè, kinh doanh thương mại nào đó là có chỗ để xe, mà phải phân biệt ra để đảm bảo cảnh quan đô thị và sự thuận lợi. Lời giải đó dành cho các phường làm cụ thể dựa trên các tiêu chí hướng dẫn và yêu cầu chung của thành phố.
Theo TS Phong, thành phố nên có một đợt đầu tư ban đầu để các phường tiến hành đo đạc, thẩm tra, quét sơn, kẻ vôi… rồi sau đó có chế tài xử phạt những người vi phạm, các khoản phạt tiếp tục quay vòng để chỉnh trang, tiếp tục hoàn thiện công cuộc “chuẩn hóa” vỉa hè.
“Khi đã tốt ròi thì không cần phải tốn chi phí nữa, người dân sẽ tự giác hơn, họ sẽ đóng phí cho những hoạt động của mình, sẽ thu phí cho những hoạt động đó và dùng nó để chi trả cho những hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như vỉa hè”, TS Phong nêu quan điểm.
Cuối cùng và quan trọng nhất, theo ông, đó là tất cả phải công khai tài chính, cấm chuyện lợi ích nhóm ở đây, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì người dân sẽ đồng tình, mọi thứ sẽ minh bạch. Nếu làm tốt điều này, Hà Nội sẽ làm mẫu cho tất cả. Trên tinh thần đó, cần có tuyên truyền cho người dân ủng hộ, giám sát, phản ánh đường dây nóng để thực hiện việc chấn chỉnh thời kỳ đầu.
“Hết sức lưu ý ý của Bí thư, có thể có một số tuyến phố ban ngày thì không cho, nhưng ban đêm lại cho, cho nên tất cả điều đó phải rất cụ thể và linh hoạt dựa trên sự sáng tạo và tính chất của các địa phương”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm.
Ông Phong nêu ví dụ, tất cả những chỗ như tuyến phố Phùng Hưng có thể biến thành kinh tế vỉa hè, có thể trở thành trung tâm triển lãm của các làng nghề. Cùng với đó, tuyến Hồ Tây cần phát triển thành kinh tế vỉa hè cộng với đi bộ, cảnh quan đô thị; tất cả các dòng sông, hồ của Hà Nội sẽ trở thành các khu vực kinh tế vỉa hè rất đẹp.
Cũng theo TS Phong, phát triển kinh tế vỉa hè chính là phát triển kinh tế đêm mở rộng, cho nên toàn bộ Hồ Tây sẽ trở thành khu vực kinh tế đêm và kinh tế vỉa hè, kể cả dọc sông Tô Lịch hay sông Hồng…
“Như vậy, kinh tế vỉa hè sẽ là kênh để Hà Nội phát huy các nguồn lực văn hoá cho phát triển kinh tế Thủ đô, sự kết hợp giữa kinh tế vỉa hè và văn hoá Thủ đô sẽ làm cho kinh tế Thủ đô phát triển rực rỡ và mang màu sắc riêng”, TS Phong nhận định.
Kỳ 1: Vỉa hè của người đi bộ, vỉa hè là chốn mưu sinh | |
Kỳ 2: Tự ý cho thuê vỉa hè, của công thành của riêng |
Kỳ 3: Xây dựng nét đặc trưng văn hóa kinh doanh của Thủ đô Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại