Thứ ba 26/11/2024 01:13
Khi tài xế công nghệ chơi vơi giữa lựa chọn đi - ở:

Kỳ 1: “Chắc phải bỏ nghề”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài giới tài xế công nghệ đã phải chịu nhiều khó khăn để bám trụ với nghề. Khi bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới” thì những sức ép từ giá xăng dầu tăng cao lại khiến những người tài xế này cảm thấy ngán ngẩm...
Kỳ 1: “Chắc phải bỏ nghề”
Dưới tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài giới tài xế công nghệ đã phải chịu nhiều khó khăn để bám trụ với nghề.

Chưa mừng đã… lo

Chưa kịp vui mừng vì nhận được tiếng chuông thông báo có đơn hàng, shipper Quang Minh (Đống Đa, Hà Nội) lại tỏ vẻ buồn bã khi biết điểm đến ở tận huyện Đông Anh.

Suy nghĩ giây lát, anh quyết định hủy đơn vì quãng đường di chuyển khá xa, trong khi giá xăng đắt đỏ. Nếu không có hàng chạy ngược về thì nguy cơ lỗ cuốc. Từ khi giá xăng dầu tăng, thay vì chạy lòng vòng tìm đơn như trước, anh Minh chỉ dựng xe tại chỗ cố định để nhận chở hàng gần. Thời gian trước, anh đổ đầy bình xăng mất khoảng 50.000 đồng thì giờ là 80.000-100.000 đồng. Giá nhiên liệu tăng khiến thu nhập từ nghề shipper giảm.

Chung cảnh ngộ, tài xế công nghệ Lê Thanh Bảo (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, trước đây, giá xăng 20.000 đồng/lít, doanh thu kiếm được cũng khoảng 300.000-400.000 đồng/ngày nhưng giờ xăng tăng quá cao, chưa tính chi phí ăn uống thì doanh thu chỉ còn từ 150.000-200.000 đồng/ngày. “Trải qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, giờ được chạy xe trở lại tôi đã rất mừng, nhưng tình hình vật giá leo thang thế này thì càng đi làm, càng khó. Tôi đang định chuyển sang công việc khác vì thu nhập như bây giờ không đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình”, anh Bảo nói.

Như trường hợp của anh Tuấn, một tài xế GrabCar Plus ở Hà Nội, trong một tháng qua, trung bình mỗi tuần anh chỉ thu về khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trừ đi chiết khấu của hãng ở mức 32%, xăng xe, khấu hao xe, bảo dưỡng, lãi vay mua xe… thì số tiền kiếm được luôn là âm. Trong khi hỗ trợ từ hãng xe công nghệ “không thấm vào đâu” thì “đi làm như vậy chưa đủ nuôi thân, chứ nói gì đến nuôi cả gia đình”, anh Tuấn chia sẻ với vẻ mặt hết sức ưu tư.

Không còn là nghề “hot”

Anh Nguyễn Minh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), một tài xế Grab cho biết anh cảm thấy lo lắng khi thu nhập có chiều hướng giảm sút dù thời gian, công sức lao động bỏ ra nhiều hơn. Các chi phí, trong đó có giá xăng tăng lên khiến thu nhập cầm về chẳng còn đáng là bao.

“Trừ tiền chiết khấu, chi phí xăng xe, ăn uống thì tiền về tay ngày càng ít. Cày mỗi ngày cũng chỉ thêm được vài cuốc thôi, trong khi sức người có hạn”, anh Hòa nói. Thu nhập kém đi do biến động giá cả là vấn đề lớn của anh Hòa cũng như nhiều tài xế công nghệ. Xăng liên tục tăng giá khiến các tài xế công nghệ, giao đồ ăn phải đối mặt với những áp lực lớn.

Kỳ 1: “Chắc phải bỏ nghề”
Giá xăng tăng, giá cước tăng, nhiều khách hàng sẽ đắn đo hơn trong việc sử dụng dịch vụ xe công nghệ

Đứng chờ ứng dụng “nổ” đơn hàng bên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Khánh Minh, sinh viên một trường đại học không giấu khỏi được vẻ mặt chán chường. Từ ngày giá xăng tăng gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, thu nhập của cậu sinh viên này đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. “Nếu muốn kiếm được 500.000 đồng mỗi ngày, em phải dậy từ sáng sớm, chạy liên tục khoảng 20 đơn hàng thì mới mong có được mức thu nhập ấy”, tài xế Grab này chia sẻ.

Theo Khánh Minh, cậu phải làm việc từ 12-14 tiếng mỗi ngày, chính vì kiếm được đồng tiền hết sức khó khăn như vậy nên Khánh Minh đã cho rằng nghề tài xế công nghệ đã không còn “hot” như trước đây.

Vừa qua, một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều tài xế xe công nghệ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng lái xe đồng loạt tắt ứng dụng, ngừng đón khách để gây áp lực với ứng dụng nhằm giảm mức chiết khấu mà tài xế phải đóng.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều tài xế lại cho rằng việc gây sức ép như vậy là vô nghĩa vì chính các hãng xe công nghệ cũng đang trong cảnh thua lỗ. Chưa kể, các hãng cũng đang gặp khó khăn trong việc “giữ chân” tài xế, và một trào lưu bỏ nghề trong giới tài xế công nghệ đã bắt đầu nhen nhóm…

(Còn nữa)

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động