Kinh tế TP Hà Nội phục hồi tích cực trong những tháng đầu năm 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. |
Dự hội nghị tại điểm cầu UBND TP có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông; Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Chử Xuân Dũng và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại điểm cầu địa phương.
Các chỉ số đều tăng mạnh so với cùng kỳ
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh tế xã hội. Chủ tịch UBND TP đề nghị hội nghị bám sát thực tế, tập trung thảo luận, tham mưu UBND TP tăng cường công tác chỉ đạo; làm rõ thêm các nút thắt, hạn chế khó khăn để có biện pháp tháo gỡ nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của ngành, địa phương trong năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Vũ Duy Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội 2 tháng đầu năm ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt hơn 64,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Hầu hết các chỉ số sản xuất và tiêu dùng tháng 2 giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. “Tuy nhiên so với cùng kỳ, các chỉ số đều tăng mạnh, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế” - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nhấn mạnh.
Trong đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành đạt mức tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 20,7%, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 49,7%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,9%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%.
Ngành du lịch mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên đã có dấu hiệu phục hồi tích cực; khách quốc tế tháng 2 tăng 25,2%, khách trong nước tăng 37,3% so với cùng kỳ 2021.
Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Vũ Duy Tuấn cho biết, đến ngày 10/3, toàn thành phố giải ngân được hơn 2.638 tỷ đồng đạt 5,1% kế hoạch vốn TP giao. Trong đó, nguồn ngân sách cấp thành phố giải ngân được gần 903 tỷ đồng (tương đương 5% kế hoạch), nguồn ngân sách cấp huyện (bao gồm cả ngân sách TP hỗ trợ) giải ngân được hơn 1.705 tỷ đồng (tương đương 6,34% kế hoạch).
Tính đến ngày 28-2, thu hút FDI của TP đạt 470.65 triệu USD, trong đó, đăng ký mới 51 dự án với số vốn đạt 123,2 triệu USD; 16 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 112,55 triệu USD.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, có 3.633 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.227 tỷ đồng, thực hiện thủ tục giải thể cho 574 doanh nghiệp, 7.329 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.742 doanh nghiệp.
Thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND TP về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đến nay có 22 sở, ban, ngành và 11 UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Trong quý I/2022, với 70 nhiệm vụ, đã có 9 nhiệm vụ đã hoàn thành, 41 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.
Kiểm soát lạm phát, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 3-2022, UBND TP ban hành và triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”. Đồng thời tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2022, các đề án, nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; chương trình phát triển nhà ở 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Quang cảnh hội nghị. |
UBND TP cũng báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ TP, trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về Kế hoạch hỗ trợ đầu tư cho cấp huyện để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đối với 3 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Di tích.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra theo các Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, UBND TP, bám sát các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, UBND TP tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng; huy động các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.
TP cũng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung.
Đồng thời, tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tập trung công tác chuẩn bị phục vụ tổ chức SEA Games 31; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; chủ động phòng ngừa cháy, nổ, nhất là tại các lễ hội, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư.
Xây dựng công dân số trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo về triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch 54 để triển khai đề án. Nội dung kế hoạch đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo lộ trình trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030. Cùng với đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu, ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2022.
Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, thành phố Hà Nội được chọn là địa phương triển khai điểm với tất cả các nội dung của đề án, trên cơ sở đó để nhân rộng ra toàn quốc. Do vậy, tiến độ và khối lượng các đầu việc sẽ phải thực hiện sớm hơn, nhiều hơn so với lộ trình chung của đề án. Thành phố cũng đã có văn bản gửi các Sở, ban, ngành và UBND các địa phương tập trung vào các nhóm công việc cụ thể. Trong đó, tuyên truyền cho người dân tham gia đăng ký, hiểu lợi ích của việc định danh điện tử, phổ cập định danh điện tử, tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, khai thác hiệu quả ứng dụng VNEID … từng bước thay thế thủ tục giấy tờ theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ trọng tâm trong đề án của Chính phủ là đẩy mạnh dịch vụ công và xây dựng công dân số trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó mỗi công dân đã được cấp Căn cước công dân gắn chíp. Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết để hoạt động được giao dịch và xác thực trên môi trường số hóa, mỗi công dân phải có xác thực định danh điện tử cá nhân, gồm có: thông tin trong căn cước công dân, nhận diện sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt). Sau khi căn cước công dân và xác thực định danh điện tử được tích hợp, công dân sẽ thực hiện giao dịch thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ. Theo tiến độ, từ ngày 1/4, Công an địa phương sẽ triển khai cấp định danh điện tử cho công dân, đồng thời tích hợp định danh điện tử với Căn cước công dân.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố, Phó Giám đốc Công an thành phố cũng đề nghị các Sở, ban, ngành, các địa phương cùng phối hợp nhằm triển khai thực hiện Đề án.
Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tăng trưởng của từng cấp, từng ngành
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, phát huy những nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị năm 2021, năm 2022 thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị thành phố tới cơ sở, nhân dân Thủ đô đã được đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. “Bức tranh kinh tế-xã hội Thủ đô có rất nhiều tín hiệu khởi sắc, cơ bản thể hiện tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực, hầu hết chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng nhận định, thành phố đang thích ứng linh hoạt khi từ thành phố đến cơ sở kiểm soát một cách chủ động dịch bệnh. Trong 2 tháng đầu năm 2022, thành phố vượt qua khó khăn thách thức lớn, đặc biệt là với y tế cơ sở khi ca nhiễm chủng omicron tăng đột biến. Trong hoàn cảnh như vậy, thành phố đã tập trung chăm sóc, quản lý được đối tượng nguy cơ cao.
“Các cấp, các ngành đã vào cuộc đúng tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao nhất cho năm bản lề 2022, bức tranh chung có nhiều điểm sáng, vì vậy các đơn vị cần phát huy những thành quả đã đạt được, có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại hạn chế để hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2022”, Chủ tịch UBND thành phố nêu.
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, quý I và các tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung cao độ những nhiệm vụ chính trị đặt ra với địa bàn Thủ đô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chương trình số 02 của Thành uỷ về phát triển kinh tế-xã hội…
Về thích ứng trong tình hình mới, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh “phục hồi tốt rồi nhưng phải thích ứng an toàn, linh loạt”, với tinh thần này đề nghị các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tất cả các khâu, các lĩnh vực quản lý; có chỉ tiêu, chỉ số cải cách hành chính của đơn vị theo hướng thực chất. Về thí điểm cấp định danh điện tử cho công dân mà Công an thành phố đang triển khai, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là nền tảng quan trọng để gắn với dịch vụ công thiết yếu, làm tốt nhiệm vụ này sẽ hiệu quả trong điều hành kinh tế-xã hội.
Các ngành, các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ca mắc chuyển nặng, chuyển tầng. Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở; giữ vững nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”., không lơ là chủ quan. Về đối tượng nguy cơ cao, cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo vệ.
Về phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý các đơn vị, địa phương phải tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công, chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng, tạo sức bật trong năm 2022. Có những ngành hàng đã thích ứng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, vì vậy cần quyết liệt và khẩn trương hoàn thiện kịch bản tăng trưởng của các cấp, các ngành, đơn vị, tránh kế hoạch có tính “trên giấy” không khả thi trong thực tiễn. Các ngành các cấp tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
“Đây là năm đặc biệt, UBND thành phố có nhiềm tin sang quý II-2022 sẽ đạt được nền tảng quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển dài và rộng hơn cho Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu và nhấn mạnh với tinh thần này cần quyết tâm cao độ nhất, chung sức đồng lòng, thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ trong quý I và cả năm 2022.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại