Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở về đầu tư, tài trợ cho văn hóa Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênQuang cảnh hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu |
Hội thảo có sự tham gia các chuyên gia, nhà nghiên cứu: PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm; nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Viet Production; TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế Vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; ông Jérémy SEGAY, Tuỳ viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Đinh Công Tài, Giám đốc Marketing Hanoia; ThS Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam); ThS Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ; ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Công ty TNHH Lên Ngàn.
Chủ trì hội thảo là: PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm.
Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng và chất lượng, với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
“Để văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần sự tham gia của nhiều nguồn lực. Việc đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả…”, TS. Nguyễn Thế Hùng khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Thế Hùng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ văn hóa như: Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu |
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, phát triển các ngành công công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các quy mô đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.
Trước những hạn chế và rào cản đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hoá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”. Đây chính là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu |
Cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể để tăng đầu tư công, thu hút và đa dạng nguồn đầu tư cho văn hóa
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề cập tới 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là vai trò và sự cần thiết của hoạt động đầu tư và tài trợ cho văn hóa từ góc nhìn đa chiều với các bài tham luận của tác giả Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Đinh Công Tài, Lê Ngọc Anh, Vũ Thúy Hiền, Hoàng Thị Thu Thủy. Dù từ nhiều góc nhìn, song hầu hết các tham luận đều nhấn mạnh, tài trợ công cho văn hóa là rất quan trọng vì những lợi ích trực tiếp và gián tiếp mà chúng mang lại cho nền kinh tế và xã hội.
Nhóm vấn đề thứ hai, các tác giả Nguyễn Văn Tình, Vũ Hoa Ngọc, Nguyễn Thị Thu Phương, Đỗ Thị Thanh Thủy, Trần Thị Thủy, Jérémy SEGAY, Nguyễn Thị Anh Quyên,... đã nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và kinh nghiệm về đầu tư và tài trợ cho văn hoá ở một số quốc gia và từ đó, gợi mở các hướng áp dụng cho Việt Nam.
Các kinh nghiệm quốc tế về đầu tư và tài trợ cho văn hóa được giới thiệu từ nhiều góc độ: góc độ chính sách và cơ chế tài trợ từ trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; góc độ phân ngành như kinh nghiệm đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, điện ảnh, bảo tàng, sân khấu, âm nhạc, di sản văn hóa từ các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Một số chuyên gia đã giới thiệu chi tiết về kinh nghiệm xây dựng mô hình gây quỹ đầu tư và tài trợ cho văn hoá từ Mỹ (Quỹ Văn hóa Quốc gia Hoa Kỳ -NEA), Anh (Quỹ Xổ số Văn hóa Anh - Heritage Lottery Fund - HLF), Nhật Bản (Japan Foudation), Hàn Quốc (Chính sách từ chính phủ, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật, Ứng dụng công nghệ và truyền thông số, Quỹ từ các tổ chức/doanh nghiệp tư nhân…).
Mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa cũng đã được các các chuyên gia đề cập tới với vai trò như là một trong những cơ chế, chính sách đầu tư và tài trợ hiệu quả từ sự thành công trong áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Trung Quốc....
Nhóm vấn đề thứ ba tập trung vào trao đổi về thực tiễn hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính từ khu vực công, tư và đóng góp từ các nguồn đa dạng khác cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, cũng như trong mục tiêu định vị thương hiệu của địa phương.
ThS Đỗ Quang Minh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham luận tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hiếu |
Trong phần tham luận, tác giả Đỗ Quang Minh đã hệ thống hoá, lý do mà Nhà nước cần phải đầu tư và tài trợ cho văn hoá nằm ở tính đa mục tiêu của lĩnh vực văn hoá. Các ngành văn hóa và sáng tạo trong nhiều năm qua không chỉ tạo ra sản phẩm văn hóa và sáng tạo, tạo việc làm và tạo ra doanh thu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các thành phố và quốc gia mà còn có vai trò tích cực trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và di sản, thúc đẩy sự hòa nhập của mọi tầng lớp trong xã hội và thậm chí, trong những giai đoạn khó khăn như Covid-19, văn hóa và nghệ thuật đã giúp cố kết và nâng cao sức chống chịu của người dân.
Với những giá trị này, sự quan tâm, chú trọng, hỗ trợ của các bên liên quan, từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức và công chúng rất quan trọng để những lợi ích này được khai thác hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hay các bài tham luận của TS. Hà Huy Ngọc, nhạc sĩ, nhà sản xuất Quốc Trung cũng đã tập trung trình bày, phân tích về thực trạng, hiệu quả đầu tư và hỗ trợ cho văn hoá đối với thành phố Hà Nội nói chung và khu phố cổ Hà Nội nói riêng; thực trạng đầu tư cho ngành và lĩnh vực cụ thể như điện ảnh Việt Nam hay tài trợ cho các doanh nghiệp,tổ chức tư nhân đang hoạt động trong lĩnh văn hoá và sáng tạo.
Nhạc sĩ Quốc Trung trình bày tham luận "Đầu tư và hỗ trợ để nâng cao năng lực sáng tạo, hội nhập quốc tế của các dự án âm nhạc quốc tế". Ảnh: Bảo Hiếu |
Ở thảo luận bàn tròn, các chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất khi đề cập cụ thể tới các nhu cầu thực tiễn về tiếp cận nguồn lực đầu tư và tài trợ công của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo cùng những nỗ lực chủ động của họ trong việc vượt qua các rào cản về mặt cơ chế chính sách, về hạn chế nguồn lực,…
“Tôi đặc biệt đánh giá cao những chia sẻ của các đồng nghiệp ở Phiên 2 của thảo luận bàn tròn khi các quý vị đề cập trực diện tới các sáng kiến cụ thể, khả thi và thực tiễn chúng ta có thể cùng thực hiện trong thời gian tới để huy động được nhiều hơn, đa dạng hóa hơn các nguồn lực tài chính cho văn hóa”, TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Long, tại hội thảo, các ý kiến của các chuyên gia đều có sự thống nhất về quan điểm đối với các vấn đề trọng tâm. Đó là cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng đầu tư công, thu hút và đa dạng nguồn đầu tư tư cho văn hóa; thực hiện nghiên cứu và đánh giá toàn diện về thực trạng đầu tư và tài trợ cho văn hoá trong làm cơ sở cho việc tư vấn xây dựng chính sách đầu tư và tài trợ cho văn hóa phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn của ngành; tiếp nhận có chọn lọc từ những bài học kinh nghiệm về các mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hoá của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách về đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta. Ưu tiên triển khai đầu tư và tài trợ cho các dự án có tiềm năng, thế mạnh thuộc lĩnh vực thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật công cộng, nhằm định vị thương hiệu Hà Nội - thành phố sáng tạo và định hình mô hình quận nghệ thuật Hoàn Kiếm.
TS.KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm tại phiên bàn tròn. Ảnh: Bảo Hiếu |
Ông Jérémy SEGAY, Tuỳ viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trình bày tham luận các cơ chế hỗ trợ công cộng chính cho điện ảnh ở Pháp. Ảnh: Bảo Hiếu |
Ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) trình bày tham luận Công nghiệp văn hóa, du lịch và di sản; chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị cho Hà Nội. Ảnh: Bảo Hiếu |
ThS Cao Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ tham luận về: Nhu cầu thực tiễn, xu hướng đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới và những định hướng liên kết, hợp tác trong tương lai. Ảnh: Bảo Hiếu |
Ngày mai (9/12), diễn ra Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hoá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại