Kinh nghiệm khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở Ứng Hòa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng thanh niên huyện Ứng Hòa tham gia làm đường hoa, góp phần xây dựng nông thôn mới. |
Từ sự quyết tâm, đồng lòng
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết: “Với đặc thù là huyện thuần nông, ngân sách khó khăn, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đa số các tiêu chí của huyện đều đạt thấp.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ mọi nguồn lực, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới như: từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế; áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Huyện đã phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung các nguồn ngân sách của huyện và báo cáo thành phố hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Huyện quán triệt việc bố trí nguồn kinh phí để đầu tư triển khai thực hiện trên nguyên tắc tập trung, không dàn trải và bám sát các tiêu chí nông thôn mới để triển khai đầu tư thực hiện các dự án, không để nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị còn có một phần đóng góp công sức, vật chất không nhỏ và hơn hết là đồng lòng, quyết tâm của người dân Ứng Hòa.
Theo lãnh đạo huyện Ứng Hòa, người dân nơi đây đã hưởng ứng phát động Toàn dân xây dựng nông thôn mới bằng nhiều cách. Không ít hộ đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Các tổ chức hội, đoàn thể vận động hội viên làm đường hoa, thực hiện tuyến đường tự quản…
Nhờ sự chung sức đồng lòng, bộ mặt nông thôn ở Ứng Hòa ngày càng khang trang. |
Điển hình trong số đó có thể kể đến sự chung tay, góp sức của người dân xã Đông Lỗ. Vốn khởi điểm là một xã nghèo, xác định nguồn lực từ việc đấu giá đất rất khó khăn nên Đông Lỗ đã “liệu cơm gắp mắm” trong xây dựng nông thôn mới và vận động bà con cùng chung tay, ủng hộ. Riêng năm 2022, xã đã vận động được gần 1 tỷ đồng để trồng các hàng cây, dựng ghế đá, trang thiết bị cho 6 nhà văn hóa của 6 thôn. Thôn Đào Xá huy động được sự ủng hộ của những người con xa quê tới 60 - 70% số vốn để xây dựng các công trình nông thôn mới.
Đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu xuất hiện như gia đình ông Đào Đức Chính (thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ) công đức 1 quả chuông chùa trị giá 250 triệu đồng, tặng sân bóng đá trị giá 125 triệu đồng, xây dựng cổng chùa Đào Xá trị giá 70 triệu đồng.
Các con cháu của ông Đào Thản, Đào Xứng, Đào Đạt, Đào Hỷ công đức xây dựng cổng Tam quan chùa trị giá 200 triệu đồng. Người dân địa phương đóng góp ngày công, tiền của cùng bà con xa quê xây dựng đền mẫu trị giá 350 triệu đồng. Năm 2013 họ cùng CLB trai làng xây dựng bức đồng trụ ở đình, kè ao sân đình, tổng trị giá 173 triệu đồng…
Đặc biệt, chiều thứ Sáu hằng tuần, tại UBND xã, cán bộ, nhân viên cùng trồng và chăm sóc cây, hoa trong khuôn viên. Tại các thôn, định kỳ sáng thứ Bảy hằng tuần, người dân cùng nhau tổng vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khu di tích lịch sử, nhà văn hóa. Các đoạn đường nở hoa được giao cho hội đoàn thể làm cỏ, chăm sóc, thu hút 100% đoàn viên, hội viên tham gia sôi nổi...
…đến những “quả ngọt”
Thành quả của sự quyết tâm, chung sức đồng lòng ấy là bộ mặt nông thôn mới khang trang của địa phương hôm nay. Từ miền quê nghèo, Đông Lỗ vươn lên trở thành địa phương giàu đẹp, văn minh của Khu Cháy anh hùng.
Chia sẻ về quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Dương Văn Sửu cho biết: Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2012), Đông Lỗ cũng như nhiều xã Khu Cháy khác có điểm xuất phát thấp. Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình chiến lược lâu dài, đòi hỏi nguồn lực lớn, Đông Lỗ muốn thành công phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân.
Xác định tiêu chí rõ ràng, lộ trình thực hiện cụ thể, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để Nhân dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
“Trước đây, nhiều tuyến đường trong thôn nhỏ hẹp khiến cho việc đi lại của bà con không mấy thuận lợi. Sau khi được cán bộ xã, ban cán sự thôn tuyên truyền, người dân đã đồng thuận đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua rộng khắp...
Năm 2023, Nhân dân thôn Đào Xá và thôn Viên Đình vận động xã hội hóa hơn 500 triệu đồng làm 3km lan can inox bờ ao. Thôn Ngọc Trục vận động xã hội hóa gần 30 triệu đồng làm đường điện chiếu sáng. Trước đó, năm 2022, thôn Thống Nhất vận động gần 600 triệu đồng để tu bổ di tích chùa Thống Nhất, vẽ 172m2 tranh tường bích họa và 300 chân cột điện nở hoa.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới những năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo của xã. Hệ thống giao thông cơ bản được cứng hóa, thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Cơ sở vật chất trường học được chú trọng, các thiết chế văn hóa thôn được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu làm việc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của Nhân dân” - ông Dương Văn Sửu nhấn mạnh.
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay của xã là hơn 221 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của xã Đông Lỗ tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2011, từ 18 triệu đồng/người/năm, đến nay đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 23%, đến nay còn 0,63%...
Từ nguồn kinh phí của thành phố, địa phương có sân vận động ở thôn Viên Đình, diện tích 5.400m2. Hội trường UBND xã được xây mới khang trang, sử dụng làm hội trường đa năng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, quy mô 1 tầng, diện tích 450m2, sức chứa khoảng 400 chỗ ngồi.
Những năm qua, xã cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi theo vùng sản xuất tập trung gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật; nhân cấy, đào tạo nghề mới, duy trì và phát triển ngành nghề sẵn có, nghề truyền thống của địa phương. Xã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là đàn Đào Xá và trứng vịt Đông Lỗ; 1 sản phẩm trứng gà được chứng nhận VietGAP.
Trục đường liên thôn, liên xã ở Đông Lỗ luôn bảo đảm xanh - sạch - đẹp. |
Đến nay, 100% tuyến giao thông nông thôn, đường trục xã, liên xã, giao thông nội đồng đều được cứng hóa và có hệ thống chiếu sáng, cây xanh, bảo đảm xanh - sạch - đẹp; 3/3 trường học đều được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn ghi nhận và biểu dương phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Đông Lỗ, đồng thời nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Lỗ cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực, phát huy thế mạnh địa phương để xây dựng quê hương, quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa.
Địa phương cũng cần chú trọng phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ, liên kết nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân; Phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của xã...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa tin tưởng với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Lỗ sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, xây dựng quê hương Ứng Hòa giàu đẹp, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của huyện.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại