Kiến nghị khai thác các kênh truyền hình phục vụ việc dạy học giáo dục phổ thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) Việt Nam, sau làn sóng thứ nhất của dịch, trong giáo dục ở mọi cấp đang có xu hướng chạy theo “mốt” chỉ tập trung vào phương thức dạy học trực tuyến.
Trong khi còn thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai dạy học từ xa, đặc biệt là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông ở quy mô cả nước.
|
Hiệp hội cho rằng, dạy học qua truyền hình và dạy học trực tuyến (dạy học qua internet) có các đặc điểm và những điểm mạnh, yếu khác nhau. Tuy nhiên đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt đối với các cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở thì phương thức dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm nổi trội hơn.
Cụ thể, dưới góc nhìn của tâm lý học lứa tuổi, kinh nghiệm thế giới cho thấy học sinh phổ thông, đặc biệt ở các cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thích hợp với dạy học qua truyền hình hơn là với dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai hầu như đã có sẵn, bao gồm: kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án,… Có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ người thầy đứng trước học sinh và người thầy đứng trước camera).
Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia to lớn đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng, so với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy – trò. Tuy nhiên hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng.
Giáo viên phải theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh… Để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này.
Để chủ trương triển khai đại trà các phương thức dạy học từ xa , bao gồm cả cách học trực tuyến (cho một bộ phận cơ sở giáo dục, cả phổ thông và đại học nếu có đủ điều kiện), cũng như cách học qua truyền hình (triển khai đại trà chủ yếu cho giáo dục phổ thông ở những nơi chưa đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao đại trà) thực sự có hiệu quả, Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam kiến nghị đến Thủ tướng 2 nội dung.
Một là, khẳng định dạy học qua truyền hình là phương thức dạy học chủ lực cho đa phần các cơ sở giáo dục phổ thông tại các vùng có dịch, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp và trực tuyến.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương xây dựng phương án dạy học trên truyền hình, cho học sinh phổ thông trong cả nước, để sẵn sàng triển khai ngay trong mùa dịch Covid-19 khi buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa trường học.
Đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm gửi thiết bị nghe nhìn cho các địa phương có khó khăn để học sinh những nơi đó được tham gia học tập trên truyền hình. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc kết hợp hài hòa giữa hai phương thức dạy học truyền thống và dạy học truyền hình/trực tuyến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dạy học chỉ theo từng phương thức riêng biệt.
Hai là, khẳng định dạy học trực tuyến là phương thức dạy học chủ lực tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp, có kết hợp một cách hợp lý, tùy tình hình cụ thể, với các phương thức dạy trực tiếp.
Đối với giáo dục phổ thông chỉ cho phép áp dụng đại trà dạy và học trực tuyến ở những cơ sở giáo dục phổ thông (chủ yếu cho cấp trung học phổ thông) có phương thức dạy thực sự “trực tuyến” và phải bảo đảm cho 100% học sinh của những cơ sở đó có đủ điều kiện để học trực tuyến.
Trong trường hợp ngược lại, dạy học trực tuyến chỉ nên áp dụng riêng lẻ cho các bài học nâng cao hoặc bổ trợ cho những nhóm học sinh có điều kiện về kinh tế.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại