Không nhất thiết phải dàn trải thẩm phán, thư ký nào cũng tham gia
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChánh án TAND quận Hai Bà Trưng Bùi Tiến Trung trao đổi với PV |
Là xu thế mới!
Theo Chánh án TNAD quận Hai Bà Trưng Bùi Tiến Trung, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp nói chung, trong đó có việc tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến là xu thế mới mà hiện nhiều quốc gia văn minh trên thế giới đã bắt đầu đưa vào thực hiện. Tại Việt Nam, các đạo luật về tố tụng tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cũng đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến. Đây cũng là cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng internet trong nhiều năm qua của nước ta và có tỷ lệ dân số sử dụng internet hàng đầu thế giới, thì chúng ta hoàn toàn đủ khả năng xây dựng và tổ chức các phiên tòa, phiên họp trực tuyến để bắt kịp với nền khoa học công nghệ phát triển và nền tư pháp tiến bộ của các nước hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng được mô hình xét xử trực tuyến thì không thể thoát ly được hạ tầng về kỹ thuật và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cùng con người biết sử dụng nó thành thục. Đó là chúng ta phải có đường truyền (mạng viễn thông) mạnh, sạch, an toàn, các trang thiết bị điện tử như máy tính, máy in, máy chiếu, màn chiếu, âm thanh, ánh sáng… đồng bộ, tương thích và đủ mạnh cùng với những con người biết làm chủ và sử dụng chúng một cách thành thục.
Yếu tố con người sẽ quyết định lớn sự thành bại của mô hình. Do đó không nhất thiết phải dàn trải thẩm phán, thư ký nào cũng tham gia mô hình này. Cần có chọn lọc, có thể thành lập riêng một bộ phận (hoặc một tòa riêng nằm trong Tòa án để chuyên xét xử trực tuyến). “Đã là xét xử trực tuyến thì đường truyền phải mạnh, ổn định và được bảo mật an ninh tốt. Nếu không thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng phiên tòa, phiên họp” – lời ông Trung.
Nên thử nghiệm…
Chánh án TAND quận Hai Bà Trưng chia sẻ, thời gian qua đã có một số tòa án (đặc biệt là các tòa án cấp tỉnh tại một số địa phương lớn), khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử các vụ án về tham nhũng, xâm hại tình dục và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng, đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử. Đây cũng chính là tiền đề của mô hình xét xử trực tuyến. Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường (trực tiếp) và xét xử trực tuyến là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian với nhau. Tuy nhiên việc xét xử trực tuyến vẫn phải đảm bảo đúng các quy định về tố tụng hình sự, dân sự và hành chính theo các vụ việc tương ứng.
Bên cạnh đó, xét xử trực tuyến là việc áp dụng và ứng dụng thuần thục công nghệ vào trong việc xét xử. Do đó, không thể để một thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên không hiểu, không biết sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến tham gia tố tụng được. Ngoài ra cần có kỹ thuật viên thường trực xử lý tình huống về thiết bị liên quan đến đường truyền viễn thông cũng như các thiết bị khác phục vụ phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Do vậy, cần có sự tập huấn, hướng dẫn sử dụng thông thường các trang thiết bị phục vụ phiên tòa, phiên họp trực tuyến cho những người trực tiếp tham gia.
Khi xét xử trực tuyến, những người tham gia phiên tòa, phiên họp (trừ HĐXX và những người tiến hành tố tụng khác) không ở cùng một địa điểm và không gian với nhau. Điều này tiết kiệm được rất nhiều tiền của, công sức đi lại và cả sự an toàn khi phải tập trung đến một địa điểm cố định để tham gia phiên tòa, phiên họp trực tiếp như thông thường. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn đối với hình thức xét xử trực tiếp; chỉ nên quy định ở một số trường hợp cụ thể. Chính vì vậy, mô hình này nên thử nghiệm và từng bước đưa vào chính thức với những hành lang pháp lý chặt chẽ.
Các yếu tố pháp lý, trình tự trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa là những vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết, bởi, rất có thể nhiều người trong nước (thậm chí cả nước ngoài) đều trực tiếp theo dõi.
“TAND TC và tòa án các cấp cần thể hiện sự phối hợp hết sức chặt chẽ, nhưng linh hoạt trong xây dựng dự thảo Quy chế với nhiều hình thức, thành phần tham gia đóng góp. Đặc biệt là ý kiến của các đơn vị, cá nhân trong toàn hệ thống tòa án, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Yêu cầu phải xây dựng được Quy chế mang tính tổng quát, nhưng lại tương đối cụ thể, chi tiết và đặc biệt không trái với quy định căn bản của tố tụng, phù hợp với năng lực công nghệ thông tin thực tế của nước ta” – lời Thẩm phán Bùi Tiến Trung. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại