Không để tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo nổ gia tăng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSố lượng lớn pháo bị thu giữ |
Các vụ việc liên quan tới pháo bị bắt giữ
Ngày 30/12, CA TP Hải Phòng cho biết, Tổ công tác HP22 thuộc CA huyện An Lão (TP Hải Phòng) vừa bắt giữ một đối tượng có hành vi sản xuất pháo nổ trên địa bàn. Trước đó, vào ngày 28/12, Tổ công tác HP22 CA huyện An Lão đã bắt quả tang đối với đối tượng Đỗ Văn Sơn, SN 1986, trú tại xã Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng, đang có hành vi sản xuất hàng cấm là pháo nổ.
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ gồm: 18,84kg pháo nổ thành phẩm, 2,47kg thuốc pháo, 0,12kg dây cháy chậm và 7,11kg các chất dùng để chế tạo thuốc pháo và nhiều tang vật khác có liên quan. Hiện, Tổ công tác HP22 đã bàn giao đối tượng cùng tang vật liên quan đến Cơ quan CSĐT CA huyện An Lão để thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Tại Hà Nội, ngày 12/12, CA huyện Thường Tín, đã thông tin về kết quả điều tra, khám phá vụ tàng trữ trái phép pháo nổ với số lượng gần 7 tấn trên địa bàn. Cụ thể, qua công tác nắm tình hình địa bàn, CA huyện Thường Tín phát hiện tại dãy phòng trọ của bà Nguyễn Thị Mai, SN 1987, trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội gần khu vực kho K74 thuộc địa phận thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín có biểu hiện nghi vấn cất giấu, tàng trữ pháo nổ. CQCA đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và xác định tại phòng thứ 3 của dãy trọ đang cất giấu số lượng lớn pháo nổ.
Ngày 14/10/2022, CA huyện Thường Tín đã huy động các cán bộ, chiến sĩ tiến hành khám xét khẩn cấp phòng trọ nêu trên. Quá trình khám xét đã phát hiện trong nhà trọ có 406 thùng các-tông bên trong mỗi thùng chứa 12 hộp, mỗi hộp chứa 36 ống hình trụ là pháo hoa nổ, tổng khối lượng 6.869,52kg. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 15/10/2022, Cơ quan CSĐT CA huyện Thường Tín đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tàng trữ hàng cấm”; đồng thời xác lập chuyên án truy xét, đấu tranh.
CA huyện Thường Tín phối hợp với các phòng nghiệp vụ xác định và dựng được chân dung đối tượng nghi vấn là Nguyễn Mạnh Phái (SN 1998, trú tại xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) nhưng đối tượng đã nhanh chân bỏ trốn. Là đối tượng ranh ma với nhiều mối quan hệ ngoài xã hội nên việc truy bắt Phái khiến các trinh sát gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự quyết tâm truy bắt tội phạm. Gần 60 ngày đêm, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế CA huyện Thường Tín đã có mặt ở các địa bàn như Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Đăk Lăk, Kiên Giang... lần theo dấu vết của đối tượng nghi vấn. Đến ngày 9/12, Cơ quan CSĐT CA huyện Thường Tín đã bắt giữ được đối tượng Phái. Tại CQCA, Phái khai nhận đã được một đối tượng thuê cất giấu số pháo trên với tiền công 10 triệu đồng/1 tháng.
Để tránh sự phát hiện của lực lượng CA, đối tượng ngụy trang trong các thùng carton in nhãn hoa quả nhập khẩu và vận chuyển bằng 2 xe ô tô tải từ Lạng Sơn đến phòng trọ tại xã Thư Phú do Phái thuê để cất giấu vào đêm 9/10/2022, sau đó thì bị phát hiện và bắt giữ. Cơ quan CSĐT CA huyện Thường Tín đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Những quy định của pháp luật về pháo
Mặc dù các cơ quan chức năng luôn cảnh báo sự nguy hiểm cũng như các quy định của pháp luật về pháo; thậm chí bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển pháo, nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Bởi nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ, do đó vi phạm về mua bán và sử dụng pháo trái phép.
Vậy theo quy định hiện hành, pháo hoa là gì, pháo hoa nổ là gì? Những trường hợp nào; đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và pháo hoa nổ? Bộ Công an cho biết, theo Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa.
Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi cho tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m.
Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.
Các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ quy định tại Điều 11, sử dụng pháo hoa quy định tại Điều 17 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, DN được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Bên cạnh đó, một đối tượng đặc biệt được quan tâm chính là các em học sinh bởi với tâm lý tò mò ham chơi, rất dễ bị lối kéo tham gia vào việc sản xuất hay tiêu thụ pháo nổ. Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có gửi tới các phòng GD&ĐT, các trường học trên địa bàn TP văn bản liên quan đến phòng chống pháo nổ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trong các cơ sở giáo dục.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn TP đã triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện quản lý, tuyên truyền đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định liên quan; thường xuyên phối hợp với lực lượng CA trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh việc nghiêm cấm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia vào các hoạt động sử dụng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ trái với quy định của pháp luật. Tích cực hưởng ứng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tuyên truyền vận động người dân giao nộp, thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ cho cơ quan chức năng thực hiện quản lý, tiêu hủy theo chức năng nhiệm vụ.
Đồng thời, CQCA khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Mỗi người dân cũng phải chấp hành quy định của pháp luật, không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo. Không lên mạng xã hội học cách làm pháo, vì không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn có thể xảy ra hậu quả làm mù mắt, bị thương tật suốt đời.
Kiểm tra xe tải vi phạm luật giao thông, phát hiện gần 1 tấn pháo nổ | |
Công an huyện Phúc Thọ: Đấu tranh hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại