Khơi thông nguồn lực đất đai, tạo sức bật phát triển
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐất đai là nguồn lực to lớn của đất nước và là vấn đề hệ trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững đất nước |
Nội dung nhiều điểm mới
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 19, khóa XI, chính sách, pháp luật về đất đai đáp ứng phần nào yêu cầu thực tiễn, nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế. Do vậy, thực tiễn này đòi hỏi cần thiết phải ban hành Nghị quyết mới. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Nhiều điểm mới cả trong quan điểm, mục tiêu, cả trong nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 18.
Nghị quyết 18 khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất. Bên cạnh đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Nghị quyết cũng kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19, trong đó tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Điều này phù hợp Bộ luật Dân sự năm 2015 và đây là cơ sở để hoàn thiện các chế định về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đất đai do lịch sử để lại; Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Nội dung này của Nghị quyết có nhiều điểm mới, đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Cuối cùng, Nghị quyết khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Hoàn thiện chính sách đất đai
Theo chuyên gia kinh tế, Lê Đăng Doanh, Nghị quyết 18 yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất... vì các trường hợp đầu cơ, găm đất không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Do vậy, đánh thuế cao sẽ khiến người đang ôm đất phải từ bỏ, đặc biệt, giá đất tăng cao có thể thấp xuống. Hơn nữa, việc đánh thuế lũy tiến vào những người có nhiều nhà, nhiều đất là một biện pháp để kiểm soát và hạn chế tình trạng đầu cơ đất đang diễn ra rất phổ biến hiện nay. Biện pháp này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, mang lại kết quả nhất định dù không thể chấm dứt được hoàn toàn nạn đầu cơ đất, đầu cơ nhà ở.
Một trong những điểm đáng chú ý nữa trong Nghị quyết 18 là xác định bỏ khung giá đất. Đề xuất xác định bỏ khung giá đất không phải mới mà đã được nhiều địa phương, chuyên gia cho ý kiến từ lâu. Hiện nay, khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm một lần theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai 2013 và Nghị định 96/2019, song khung giá đất hiện thấp hơn giá thị trường nên bảng giá đất cũng chưa tiệm cận với giá thị trường. Điều này dẫn tới phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định nghĩa vụ tài chính như nộp tiền sử dụng đất, xử phạt hành chính về đất đai.
Bên cạnh mức thuế cao hơn với một số nhóm nêu trên, Trung ương cũng yêu cầu cần có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn cư để đầu tư... Ưu đãi thuế cũng cần được áp dụng với những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
“Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết được hết các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại