Thứ bảy 20/04/2024 23:35

Khó cho ngành dệt may

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vào thời điểm đầu năm 2021, nhiều DN ngành dệt may đã nhận được đơn hàng, tăng trưởng liên tục sau thời gian dài trải qua khó khăn năm 2020. Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, DN dừng sản xuất. Ngành dệt may hiện đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và dự báo khó có thể đạt con số xuất khẩu năm 2021 như dự kiến là 39 tỷ USD.

Thiếu hụt nhiều mặt

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay dệt may Việt Nam đối mặt thách thức thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vắc-xin cho ngành vẫn thấp. Trong kịch bản tích cực, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối tháng Tám này, kim ngạch xuất khẩu của ngành trong năm 2021 chỉ đạt từ 32-33 tỷ USD, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm. Số lượng công nhân dự kiến chỉ đạt 65%.

Do đó, thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ là thách thức lớn cho ngành trong quý 3-2021. Tuy nhiên, theo VITAS, cơ hội về cuối năm sẽ vẫn có do hiện nhiều nhà máy may của Ấn Độ phải đóng cửa, hoặc chỉ hoạt động 50% công suất để ngăn chặn các ca lây nhiễm Covid-19 mới. Ngành dệt may của Myanmar đối mặt cùng lúc 2 vấn đề lớn là số ca nhiễm Covid-19 tăng và tình hình chính trị bất ổn. Các DN dệt may hiện đang nhận được nhiều đơn hàng của khách hàng Hoa Kỳ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường như hiện nay, vấn đề mấu chốt của ngành dệt may vẫn là tiêm vắc-xin cho công nhân.

Để hỗ trợ DN sớm khôi phục sản xuất, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho hay ngoài việc sớm tiêm vắc-xin cho người lao động, Chính phủ cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của DN. Đơn cử như với các kho chứa hàng hóa của các DN logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD, VITAS đề nghị giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021.

Khó cho ngành dệt may

Trong bối cảnh hiện nay, các DN dệt may phải rất cố gắng để duy trì sản xuất.

Ngoài ra, theo ông Trương Văn Cẩm, hiệp hội cũng tiếp tục kiến nghị TP Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31-12-2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP Hồ Chí Minh hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30-6-2022.

Lý do được đưa ra là hiện tại, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1-1-2017 đến nay. Còn TP Hồ Chí Minh là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, VITAS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những DN gặp khó khăn do Covid-19; tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.

Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các DN phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho DN ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg…

Để khắc phục những khó khăn

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, việc áp dụng Chỉ thị 16 là áp dụng những yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các DN phải đáp ứng được các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai điểm đến” mới được phép duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, qua thực tế một tháng vừa qua, số lượng các DN có khả năng áp dụng các biện pháp kể trên khá ít và số lượng DN phải dừng hoạt động khá đông. Bên cạnh đó, ngay cả các DN đang hoạt động cũng phải đối diện với nguy cơ ngừng sản xuất khi không ít DN nguyên phụ liệu phải đóng cửa, không còn nguồn cung.

Khó cho ngành dệt may

Để có được đơn hàng DN dệt may cũng phải chịu rất nhiều áp lực lớn.

“DN ngừng hoạt động sẽ không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu. Trong khi kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhu cầu hàng hóa rất lớn thì việc DN không tham gia được vào chuỗi cung ứng và không đáp ứng được đơn hàng là thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều đến DN trong thời gian tới”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Những khó khăn bủa vây DN khiến rất khó dự đoán về khả năng xuất khẩu của ngành dệt may trong những tháng còn lại của năm 2021. Nguy cơ lớn hơn là hàng loạt nhà máy phải đóng cửa trong năm 2020 có khả năng không khôi phục lại được. Nhà máy đóng cửa sẽ khiến ta không còn khả năng giữ được khách hàng. Đây là vấn đề lớn, bởi không chỉ đơn giản là việc mất đi đơn hàng mà kéo theo đó cả vị trí trong chuỗi cung ứng và rất lâu, rất khó để tạo được chỗ đứng.

Trước những khó khăn hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất trong bối cảnh hiện tại, với mục tiêu là hạn chế nhất những rào cản để ngành dệt may trong nước có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS đánh giá, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may đạt gần 19 tỷ USD. Nếu hết tháng 8-2021 kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại khu vực phía Nam, các DN trở lại làm việc ở trạng thái bình thường theo Chỉ thị 15 của Chính phủ thì con số xuất khẩu cả năm nay dự kiến đạt khoảng 32-33 tỷ USD. Trong khi đó, mục tiêu xuất khẩu ban đầu đặt ra năm 2021 là 39-39,5 tỷ USD. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Hồng Đức
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động