Khắc phục những vấn đề còn định lượng, trùng lắp và chung chung
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhắc phục những hạn chế
Theo Bộ Tư pháp, các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg và được hướng dẫn tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP đến nay đã được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới như tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về PBGDPL (chỉ tiêu 5 tiêu chí 2); thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý (chỉ tiêu 3 tiêu chí 3); không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chỉ tiêu 3 tiêu chí 5); đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (chỉ tiêu 4 tiêu chí 5).
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư hướng dẫn khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Quyết định số 25/2p021/QĐ-TTg ngày 22-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ |
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu được sửa đổi cho phù hợp hoặc bị bỏ do không khả thi, trùng lắp, chồng chéo như đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã, các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở hoạt động có hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải; hòa giải viên;
Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) trên địa bàn cấp xã được kiềm chế, có giảm so với năm trước.
Quy trình đánh giá công nhận, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cũng được sửa đổi, có điểm mới. Với nhiều điểm mới như vậy, việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư 07/2017/TT-BTP là cần thiết.
Cụ thể các nội dung đánh giá
Dự thảo Thông tư tập trung quy định, hướng dẫn chỉ tiết các nội dung được giao tại khoản 6 Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, bao gồm nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu; quy trình, biểu mẫu phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Đối tượng áp dụng dự thảo Thông tư là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Điều 2 và Phụ lục I kèm theo dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung, điểm số, cách tính điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và các tài liệu đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu. Trong đó cách tính điểm được xác định theo định mức tỷ lệ % tương ứng hoặc theo điểm số cụ thể được quy định tại Phụ lục; hướng dẫn cách làm tròn điểm để thực hiện thống nhất. Tại Phụ lục, có 22 nội dung được chấm điểm theo tỷ lệ % và 17 nội dung được chấm điểm theo điểm số; tương ứng với từng nội dung của tiêu chí, chỉ tiêu đã quy định các tài liệu cụ thể làm căn cứ thực hiện chấm điểm, đánh giá nhằm đảm bảo khách quan, thực chất trên cơ sở không làm phát sinh các tài liệu mới.
Điều 3 dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể quy trình, bao gồm các công việc, nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện để phục vụ việc chấm điểm, đánh giá, đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; các công việc, nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện để phục vụ việc đánh giá, xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo đó, UBND xã thực hiện các công việc: tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu; tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; xây dựng, niêm yết Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu; tổ chức cuộc họp để xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
UBND cấp huyện thực hiện các công việc: tiếp nhận, rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn trên địa bàn; thành lập và vận hành hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật để tư vấn, thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn; xem xét, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; công bố kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Điều 4 dự thảo Thông tư quy định 11 biểu mẫu (tăng 02 biểu mẫu so với Thông tư số 07/2017/TT-BTP), trong đó 04 biểu mẫu do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, 05 biểu mẫu do Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhằm phục vụ việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và 02 biểu mẫu do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nhằm phục vụ việc quản lý, theo dõi, báo cáo. Các biểu mẫu cụ thể được quy định tại Phụ lục II kèm theo dự thảo Thông tư.
Điều 5 dự thảo Thông tư quy định cụ thể thành phần, số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và thành viên Hội đồng; cơ chế hoạt động của Hội đồng; trách nhiệm của Phòng Tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chủ tịch Hội đồng triển khai nhiệm vụ của Hội đồng. Trong đó Hội đồng có chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tư vấn, thẩm định đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tư vấn các sáng kiến, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu... Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.
Thành phần Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng (đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện), Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng phòng Tư pháp và đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện (tiếp thu ý kiến góp ý của Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), các ủy viên là đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu; Công an, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo và Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện. Để đảm bảo Hội đồng được tổ chức gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, thực chất, dự thảo Thông tư quy định số lượng thành viên Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không vượt quá 15 người.
Điều 6 dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp được giao tham mưu quản lý nhà nước về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong việc tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch trong tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư tại địa phương.
Để phù hợp, thống nhất với quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Điều 7 dự thảo Thông tư quy định chuyển tiếp về việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 tiếp tục được thực hiện theo quy định của Thông tư số 07/2017/TT-BTP; Điều 8 quy định Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và thay thế Thông tư số 07/2017/TT-BTP.
Như vậy, Dự thảo thông tư đã cụ thể nhiều quy định về tiêu chí, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật để phù hợp với Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo đồng bộ khi Quyết định mới có hiệu lực thi hành, khắc phục những vấn đề còn định lượng, trùng lắp và chung chung của các quy định cũ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại