Thứ ba 26/11/2024 00:32

ILO: Cần các biện pháp cấp bách hỗ trợ người lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức trên thế giới phải chịu thiệt hại nặng nề.

Số liệu mới nhất của ILO về tác động của Covid-19 đến thị trường lao động cho thấy: Đại dịch đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và hàng trăm triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Theo “Báo cáo nhanh số 3 của ILO: đại dịch Covid-19 và thế giới việc làm”, dự kiến tình trạng số giờ làm việc bị giảm trong quý II năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với ước tính trước đây.

Cụ thể, so với giai đoạn tiền khủng hoảng (Quý IV năm 2019), nay số giờ làm dự kiến bị cắt giảm sẽ là 10,5%, tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian (giả định lao động làm việc 48 giờ một tuần). Con số ước tính trước đây là 6,7% tổng số giờ làm bị cắt giảm, tương đương với 195 triệu lao động toàn thời gian. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài.

Nếu xét theo khu vực địa lý, tình trạng này đã và đang trở nên tồi tệ hơn với tất cả các khu vực chính. Ước tính trong Quý II, Châu Mỹ sẽ mất 12,4% số giờ làm việc (so với giai đoạn tiền khủng hoảng), Châu Âu và Trung Á sẽ mất 11,8%. Số liệu ước tính số giờ làm việc bị cắt giảm của các khu vực còn lại đều gần xấp xỉ với các khu vực nêu trên và đều cao hơn 9,5%.

ilo can cac bien phap cap bach ho tro nguoi lao dong
ILO cho biết, khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức phải chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh minh họa

Báo cáo cũng cho biết, khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra đã khiến gần 1,6 trên tổng số 2 tỷ người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (chiếm phần lớn đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động) trên thế giới (lực lượng lao động toàn cầu là 3,3 tỷ) phải chịu thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến khả năng mưu sinh của họ. Đây là hậu quả của các biện pháp phong tỏa và/hoặc do họ làm việc tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Ước tính tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã khiến 60% thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm trên toàn cầu. Theo khu vực địa lý, tỷ lệ này là 81% ở Châu Phi và Châu Mỹ, 21,6% ở Châu Á và Thái Bình Dương và 70% ở Châu Âu và Trung Á. Nếu không có các nguồn thu nhập khác, những người lao động này và gia đình họ sẽ không còn cách nào để duy trì cuộc sống.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch và khủng hoảng việc làm, ILO khuyến cáo cần triển khai ngay các biện pháp cấp bách, có tính mục tiêu và linh hoạt nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

“Với hàng triệu người lao động, không có thu nhập đồng nghĩa với việc không có thức ăn, không có an ninh và không có tương lai. Hàng triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới đang nín thở. Họ không có những khoản tiết kiệm hay được tiếp cận các khoản vay. Đây là bộ mặt thật của thế giới việc làm”, Tổng Giám đốc ILO – ông Guy Ryder nhấn mạnh.

“Nếu bây giờ chúng ta không giúp đỡ họ, đơn giản là họ sẽ không thể tồn tại. Trong bối cảnh tình hình đại dịch và khủng hoảng việc làm ngày càng diễn tiễn phức tạp, chúng ta càng cần phải khẩn trương bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất”,ông nói.

Trước đó, trong Báo cáo đại dịch Covid-19 với thị trường lao động Việt Nam, ILO đánh giá Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến COVID-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời cho rằng, cách tiếp cận này cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ chuyển trọng tâm sang giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng theo cách quyết liệt như trên mặt trận y tế.

Theo ILO, dự kiến có khoảng hơn 436 triệu doanh nghiệp toàn thế giới phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động nghiêm trọng. Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có 232 triệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, 111 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, 51 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống và 42 triệu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác.
Nguyên An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động