Thứ sáu 02/08/2024 00:18

Huyện Thạch Thất, Hà Nội: đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do ảnh hưởng của bão số 2 đã gây ra một số hiện tượng địa bàn huyện Thạch Thất như: tràn bờ bao thoát lũ, tràn bờ sông Tích, ngập úng khu dân cư, ngập úng nội đồng, cây gãy đổ,... Đến ngày 1/8, các sự việc trên đã được xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân.
Huyện Thạch Thất, Hà Nội: đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt
Lực lượng Công an huyện, Công an xã Bình Yên hỗ trợ di dời người dân, đồ đạc đến nơi an toàn. Ảnh: Công an xã Bình Yên.

Đến chiều 1/8, một số sự việc do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn huyện Thạch Thất đã được xử lý. Cơ bản trên toàn huyện đã lưu thông bình thường.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, do ảnh hưởng của bão số 2, mực nước sông Tích lên cao gây ngập úng cục bộ ở một số khu vực ven sông Tích như: xóm Trại thôn Phú Đa 2 (xã Cần Kiệm), xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim), chủ yếu ngập đường ngõ xóm, một số hộ ngập sân, chưa phải di dời.

Đến ngày 31/7, tổng diện tích bị ngập úng là 158ha (gồm 107,9ha lúa, 41,1ha rau màu và 9,0ha cây ăn quả), trong đó: diện tích ngập trắng không có khả năng phục hồi là 131,4ha (gồm 91,6ha lúa, 30,8ha rau màu, 09ha cây ăn quả; ngập sâu 26,6ha (gồm 16,3ha lúa, 10,3ha rau màu,)… Mưa lớn gây ngập úng diện lích lúa và hoa màu ở 16/22 xã, thị trấn.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện xảy ra sạt lở tại xã Cần Kiệm (2 hộ phải di chuyển chỗ ở về nơi an toàn), Thạch Xá (vị trí sạt lở ảnh hưởng đến 2 hộ nhưng chưa phải di chuyển chỗ ở); một số điểm có nguy cơ sạt lở nhỏ ở các xã vùng đồi núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Các điểm sạt lở không thiệt hại về người, tài sản.

Do tập trung bơm tiêu tích cực từ khi xảy ra ngập úng nên diện tích hoa màu bị ngập trong đồng giảm. Hiện tại, các máy bơm vẫn vận hành để tiêu ngập úng cho các diện tích ngập sâu.

Huyện Thạch Thất, Hà Nội: đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt
Lực lượng bộ đội khai thông dòng chảy giúp hạ mực nước. Ảnh: Ban tuyên giáo Thạch Thất. Ảnh: C.P

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thạch Thất đã ban hành Công điện số 11/CĐ-BCH về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lũ. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã thị trấn tập trung chỉ đạo, ứng phó với cơn bão số 2 và mưa lớn trên địa bàn huyện; tổ chức lực lượng kiểm tra tình hình, các vị trí xung yếu đê điều, công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng cho các diện tích ngập úng.

Chỉ đạo các xã có đê tổ chức lực lượng canh đê, gác cống thường trực 24/24h. Đồng thời chỉ đạo các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân đảm bảo an toàn.

Để xử lý tình trạng úng ngập ở khu dân cư, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho biết, do đặc thù vị trí thôn dân cư xóm Trại (xã Cần Kiệm) và xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim) nằm sát sông, không có bờ bao ngăn cách nên phụ thuộc hoàn toàn mực nước sông Tích.

Do mực nước sông Tích lên cao, nước tràn vào đường xóm, sân của một số hộ gia đình, chưa phải di dời. UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo xã Cần Kiệm, Phú Kim kiểm tra, quan tâm đời sống Nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Hiện tại xóm Sông thôn Ngoại Thôn (xã Phú Kim) nước đã rút, sinh hoạt của nhân dân bình thường; xóm Trại (xã Cần Kiệm) chỉ còn ngập đường ngõ xóm, nhân dân vẫn sinh hoạt ổn định…

Về ngập úng nội đồng, mặc dù đã bơm tiêu rất tích cực nhưng hiện nay vẫn còn 26,6ha lúa và hoa màu của các xã: Cẩm Yên, Hương Ngải, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Kim Quan bị ngập sâu, tiếp tục bơm tiêu…

Huyện Thạch Thất, Hà Nội: đảm bảo an toàn cho người dân vùng ngập lụt
Công an xã Bình Yên hỗ trợ di chuyển tài sản cho người dân. Ảnh: Công an xã Bình Yên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn cho biết, huyện tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để người dân chủ động, cảnh giác và kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai; tiếp tục chỉ đạo vận hành các trạm bơm tiêu đầu mối và cục bộ để tiêu úng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho diện tích lúa mùa mới cấy, diện tích hoa màu, cây ăn quả và diện tích thủy sản trên địa bàn.

Sau khi nước rút, huyện chỉ đạo các xã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc diện tích lúa, hoa màu sau ngập úng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Huyện chỉ đạo các xã vùng đồi núi: Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân, Cần Kiệm, Thạch Xá, Kim Quan, Thạch Hòa tiếp tục rà soát các hộ gia đình sinh sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất để chủ động di dời, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân khi có mưa lớn xảy ra.

Các xã ven sông Tích, gồm: Cẩm Yên, Lại Thượng, Phú Kim, thị trấn Liên Quan, Kim Quan, Cần Kiệm, Thạch Xá, Đồng Trúc, Tân Xã, Hạ Bằng thường xuyên kiểm tra đê điều, công trình thủy lợi để phát hiện sự cố, chủ động ứng phó ngay từ giờ đầu, hạn chế tối đa thiệt hại.

Xí nghiệp thủy lợi huyện bố trí công nhân trực 24/24h để vận hành các trạm bơm tiêu úng. Sau đợt bơm tiêu úng, rà soát các thiết bị điện, máy bơm để sửa chữa, bảo dưỡng, bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa bão năm 2024.

Công ty điện lực Thạch Thất bố trí công nhân trực để sẵn sàng xử lý sự cố, bảo đảm nguồn điện cho công tác phòng, chống thiên tai, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Huyện Thạch Thất tiếp tục rà soát hộ gia đình gặp nhiều khó khăn, có diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng của bão số 2 và mưa lớn gây ra, kịp thời hỗ trợ ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất theo quy định.

Hà Nội: thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 31/7, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký ban Quyết định số 7046-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Theo quyết định trên, Ban Chỉ huy gồm 18 thành viên. Trưởng ban Chỉ huy là Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Ban Chỉ huy có nhiệm vụ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ TP đến cơ sở đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất. Chủ động làm việc với các cơ quan T.Ư và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 3 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Cùng nhiệm vụ trên, Ban Chỉ huy cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan truyền thông và Nhân dân về diễn biến của thiên tai và công tác phòng, chống, khắc phục của TP. Định kỳ hằng ngày cập nhật, báo cáo tình hình với Thường trực Thành ủy.

Trưởng ban Chỉ huy có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Ban Chỉ huy tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động