Thứ sáu 22/11/2024 18:32

Hủy 2 văn bản trái luật về thu hồi, từ chối cấp phép Cites nhập khẩu cá tầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau khi xem xét đánh giá toàn diện những tài liệu chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX quyết định hủy 2 văn bản về thu hồi giấy phép, từ chối cấp giấy phép Cites nhập khẩu cá tầm và giải quyết khiếu nại trái luật. Đồng thời buộc cấp giấy phép Cites nhập khẩu cá tầm cho Công ty Thanh Tú.
Hủy 2 văn bản trái luật về thu hồi, từ chối cấp phép Cites nhập khẩu cá tầm
TAND TP Hà Nội quyết định hủy 2 văn bản trái luật của Cơ quan Cites Việt Nam.

Đề nghị hủy văn bản trái luật

Ngày 15/6, HĐXX của TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về việc khiếu kiện yêu cầu Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam (Cơ quan Cites Việt Nam) thực hiện hành vi hành chính: Cấp giấy phép Cites nhập khẩu mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục Cites của Cơ quan Cites Việt Nam đối với hồ sơ của Công ty TNHH XNK thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú).

Theo đơn khởi kiện, Công ty Thanh Tú được cấp Cites nhập khẩu cá tầm Xibêri sống (tên khoa học Acipencer baerii) là loại thủy sản được phép kinh doanh ở Việt Nam với mục đích sử dụng: Kinh doanh thương phẩm, chế biến làm thực phẩm từ năm 2016 cho đến nay.

Ngày 19/1/2021, Công ty Thanh Tú nộp 2 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép Cites cá tầm Xibêri sống dùng làm thực phẩm nhưng Cơ quan Cites Việt Nam không giải quyết hồ sơ.

Trong khi đó, quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 25 Nghị định Số 06/2019/NĐ-CP là trong thời hạn 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan Cites Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học, Cites Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan Cites Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan Cites Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết.

Quá thời hạn theo quy định nêu trên Công ty Thanh Tú vẫn không nhận được bất kỳ văn bản nào trả lời của Cơ quan Cites Việt Nam về lý do không thực hiện cấp giấy phép nhập khẩu Cites theo hồ sơ đã nộp. Sau nhiều lần yêu cầu Cơ quan Cites Việt Nam trả lời nhưng không được phản hồi, ngày 29/3/2021 Công ty Thanh Tú đã gủi đơn khiếu nại đến cơ quan Cites.

Ngày 12/4/2021, Công ty Thanh Tú nhận được Quyết định của Cơ quan Cites số 07/QĐ-CTVN về việc thu hồi 42 giấy phép của Công ty Thanh Tú đã được cấp và đã được sử dụng hết, đồng thời từ chối cấp phép mới cho Công ty Thanh Tú.

Ngay khi nhận được Quyết định số 07/QĐ-CTVN, Công ty Thanh Tú tiếp tục gửi đơn khiếu nại bổ sung ngày 14/4/2021 về nội dung quyết định nêu trên là trái pháp luật nghiêm trọng.

Ngày 7/5/2021, Cơ quan Cites ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 27/QĐ-CTVN. Nhận thấy hai quyết định số 07 và 27 là trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của công ty. Do đó, Công ty Thanh Tú đã khởi kiện ra TAND TP Hà Nội đề nghị hủy quyết định số 07/QĐ-CTVN ngày 12/4/2021 và số 27/QĐ-CTVN ngày 7/5/2021.

Hủy 2 văn bản trái luật

Sau khi xem xét đánh giá toàn diện những tài liệu chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của đương sự, quan điểm của VKSND TP Hà Nội, HĐXX nhận định, Công ty Thanh Tú khởi kiện Cơ quan Cites Việt Nam là trong thời hiệu và TAND TP Hà Nội thụ lý theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

Xét các quyết định bị khiếu kiện, Cơ quan Cites Việt Nam đã giải trình căn cứ lý do ban hành. Về trình tự xử lý hồ sơ, Cơ quan Cites Việt Nam công nhận, ngày 18/1/2021 đã nhận hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thanh Tú. Cites khẳng định, đã cấp phép đúng thời hạn. Tuy nhiên, thực tế Cơ quan Cites không cung cấp được văn bản nào trả lời Công ty Thanh Tú trước ngày 18/2/2021.

Công ty Thanh Tú được cung cấp quyết định số 07 ban hành ngày 12/4/2021 của Cơ quan Cites Việt Nam trả lời với nội dung từ chối cấp phép cho Công ty Thanh Tú. Như vậy, khẳng định thời hạn trả lời đối với hồ sơ của Công ty Thanh Tú là chưa chính xác.

Cơ quan Cites Việt Nam cho rằng, Công ty Thanh Tú có vi phạm về thể tích, bể dùng, lưu trữ, cách ly kiểm dịch, không thực hiện đúng mục đích chế biến làm thực phẩm, thông qua phản ánh của cơ quan báo chí. Xét thấy, quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Cites Việt Nam thì các nội dung Cites Việt Nam nêu về vi phạm của doanh nghiệp thực chất là các nội dung không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn đánh giá của Cites Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp có vi phạm này thì việc đánh giá, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng khác.

Ngoài ra, Cơ quan Cites Việt Nam không cung cấp tài liệu nào thể hiện Công ty Thanh Tú bị xử phạt hay xác định các hành vi vi phạm các nội dung như Cơ quan Cites Việt Nam phản ánh ở quyết định số 27. Cơ quan Cites Việt Nam nêu Công ty Thanh Tú nhập khẩu dư 850 kg cá tầm sống vượt so với giấy phép, có quyết định xử phạt của Hải quan Lạng Sơn. Xét thấy, đây là vi phạm về số lượng cá tầm nhập khẩu vượt quá giấy phép và đã bị xử lý bởi cơ quan chức năng không phải vi phạm Chỉ thị 05 và điểm c khoản 1 Điều 36 của Nghị định 06/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với căn cứ pháp lý được Cơ quan Cites Việt Nam đưa ra gồm văn bản của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường, lệnh cấm của Chính phủ. Xét thấy, tại Văn bản 455 ngày 26/3/2021 và Văn bản số 3321 ngày 17/6/2021 của Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường xác định chưa phát hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm, chưa có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự (không nêu tên doanh nghiệp nào).

Các văn bản này đề nghị trong việc triển khai nhập khẩu cá tầm tại cửa khẩu chỉ có thể xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Cites và xử lý cán bộ hải quan, thú y theo Luật cán bộ công chức. Đây đều là văn bản trao đổi, không phải là căn cứ để Cơ quan Cites Việt Nam thu hồi giấy phép của Công ty Thanh Tú nhất là không có văn bản chỉ đạo về chủ trương thu hồi giấy phép của Tổng cục Lâm Nghiệp.

Tại bản giải trình gửi cho tòa án vào ngày 7/3/2022, Cơ quan Cites Việt Nam cho rằng, Công ty Thanh Tú có vi phạm nhập khẩu động vật hoang dã, không có giấy phép trong giai đoạn cấm là vi phạm điều 234 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, nội dung này đã được cơ quan có thẩm quyền là Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường xác định, các công ty nhập khẩu không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tại Nghị định số 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Điều 36 quy định căn cứ thu hồi giấy phép Cites gồm 3 căn cứ, không đúng, sử dụng sai giấy phép, vi phạm quy định pháp luật và quy định của cơ quan Cites. Tuy nhiên, Cơ quan Cites Việt Nam không nêu được lý do hợp lý, căn cứ hợp lý trong việc thu hồi các giấy phép Cites đã cấp cho Công ty Thanh Tú.

Quá trình giải quyết, Công ty Thanh Tú đã nộp nhiều giấy tờ cần thiết đảm bảo việc nhập khẩu theo đúng quy định, không có trường hợp nào công ty Thanh Tú nhập khẩu là động vật hoang dã dẫn tới phải cấm nhập khẩu. Lời khai giải trình tại tòa, Công ty Thanh Tú giải trình, cơ quan Cites không cấp giấy phép cho Công ty Thanh Tú nhưng lại cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khác.

Tổng cục Lâm nghiệp cung cấp Văn bản số 58 của Vụ pháp chế, thanh tra đối với quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại về việc cấp phép Cites cá tầm sống như sau: Trang 9 có nội dung đề nghị Cites ra quyết định khác thay thế quyết định này trong đó có quyết định số 07 mà Cơ quan Cites đang áp dụng với Công ty Thanh Tú. Quyết định của Cơ quan Cites Việt Nam với Công ty Thanh Tú không có căn cứ pháp lý nên cần thiết phải thu hồi.

Đối với quyết định giải quyết khiếu nại, Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng là hai doanh nghiệp độc lập đã thực hiện việc khiếu nại quyết định số 06 là Công ty Sỹ Hưng và quyết định số 07 là Công ty Thanh Tú. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan Cites ban hành một quyết định là quyết định hành chính số 27 và trong đó cùng một nội dung mà giám đốc giải quyết thay cho cả cơ quan Cites Việt Nam là hai cá nhân và cơ quan có thẩm quyền quyết định khác nhau dẫn tới việc xử lý giải quyết khiếu nại không đúng quy định.

Quan điểm của vị đại diện VKSND cũng phù hợp với tinh thần văn bản số 58 của Vụ pháp chế, thanh tra- Tổng cục Lâm Nghiệp.

Từ căn cứ, phân tích, nhận định đánh giá trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thanh Tú và quyết định hủy Quyết định số 07 ngày 12/4/2021 về việc thu hồi giấy phép của Công ty Thanh Tú và Quyết định giải quyết khiếu nại số 27 ngày 7/5/2021 về việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan Cites. Buộc Cites Việt Nam phải cấp giấy phép nhập khẩu mẫu vật, động vật, thực vật,... hoang dã thuộc phụ lục của Cites cho Công tyThanh Tú theo đúng quy định của pháp luật.

Ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ Ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 180/BCĐ389/TP-CQTT về tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động