“Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội nghị với sự tham dự của Người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu. Tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao; Công Thương; Giao thông vận tải; Kế hoạch Đầu tư; Giáo dục và đào tạo; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên môi trường; Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 được tổ chức với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”.
Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo ACMECS đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mê Công.
Các nhà Lãnh đạo nhận định khu vực Mê Công có tiềm năng phát triển to lớn với thị trường rộng lớn, nguồn nhân lực có năng lực và năng suất cao, vị trí địa kinh tế chiến lược kết nối Ấn Độ dương với Thái Bình Dương và các thị trường Châu Á.
Tuy nhiên, các quốc gia Mê Công cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ sự phục hồi chậm hơn dự báo của kinh tế thế giới, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các vấn đề an ninh phi truyền thống như suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai.
Điều này đòi hỏi hợp tác ACMECS phải nâng cao hơn nữa hiệu quả nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp của ACMECS với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.
Với nhận định như vậy, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Băng Cốc và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019 – 2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ. Kế hoạch tổng thể ACMECS được xây dựng nhằm tối ưu hóa cơ cấu hoạt động và tận dụng các tiềm năng kinh tế của ACMECS để tăng cường hội nhập vào chuỗi cung ứng và giá trị khu vực và toàn cầu.
Các mục tiêu, chiến lược và hoạt động cụ thể của Kế hoạch phản ánh tình hình thế giới và khu vực, ưu tiên và nhu cầu phát triển của các nước ACMECS và giúp giải quyết các thách thức chung của khu vực. Theo đó, các nước ACMECS sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính là:
Thứ nhất, kết nối thông suốt về hạ tầng cứng: Thúc đẩy kết nối các phương tiện vận tải đa phương thức (đường bộ, đường ray, cầu, cảng, hàng không, đường thủy nội địa và kết nối hàng hải), bao gồm nhưng không giới hạn các cơ sở hạ tầng phục vụ cho kết nối kỹ thuật số và hạ tầng năng lượng.
Đặc biệt chú trọng việc bổ sung các kết nối còn thiếu và các kết nối phụ trợ giữa các khu công nghiệp và cảng biển với các tuyến hành lang chính; hoàn thành các tuyến đường sắt còn thiếu để tăng cường hoạt động của mạng lưới đường sắt tiểu vùng, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC).
Thứ hai, kết nối hạ tầng mềm: Tăng cường hợp tác trong hài hoà và đơn giản hóa các quy tắc và quy định để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của con người, hàng hoá, dịch vụ và đầu tư; thúc đẩy hợp tác tài chính thúc đẩy hợp tác thị trường vốn và kết nối tài chính như thanh, quyết toán, sử dụng đồng nội tệ, Fintech và hợp tác giữa các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.
Thứ ba, phát triển thông minh và bền vững: Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm khởi nghiệp (SMEs/ Startups), nông nghiệp, du lịch, dịch vụ y tế và giáo dục; tiếp tục thúc đẩy hợp tác môi trường trong đó chú trọng quản lý bền vững tài nguyên nước và các lĩnh vực chiến lược khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y tế, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, tại HNCC ACMECS 8, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hợp tác ACMECS có thể phát huy nội lực, đồng thời tạo cơ sở huy động sự tham gia của các đối tác phát triển vào cơ chế hợp tác giữa năm nước này.
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu. |
Hội nghị lần này cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Lần đầu tiên Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp ACMECS và đối thoại/giao lưu giữa Nguyên thủ và các CEO hàng đầu trong khu vực đã được tổ chức. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sẽ là một đối tác quan trọng của hợp tác ACMECS trong thời gian tới.
Các Nhà Lãnh đạo ACMECS hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN sẽ được tổ chức từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội và cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá về khu vực Mê Công như một động lực kinh tế năng động mới của ASEAN, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp ACMECS. Hội nghị nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức HNCC ACMECS 10 trong năm 2020.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu quan trọng, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS, cụ thể là Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng;
Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS; Cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mê Công khác; Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch Tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo về môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.
Ngay sau Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 8 đã diễn ra Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 9 với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn”.
Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác kể từ HNCC CLMV 8 (Hà Nội, 10-2016) và thảo luận phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới. Các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực. Các nhà Lãnh đạo cũng bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác và phối hợp chặt chẽ sẽ giúp các nước CLMV vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các nước trong thúc đẩy kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, quảng bá và xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực. Lãnh đạo các nước Cam-pu-chia, Lào và Mi-an-ma bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cung cấp học bổng và các khoá đào tạo thiết thực.
Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, các nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV.
Về giao thông, đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang kinh tế Bắc – Nam (NSEC), Hành lang kinh tế Đông – Tây, (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC); đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội; nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Mi-an-ma – Lào – Việt Nam.
Về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và hợp tác công nghiệp: thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hiện có giữa các nước CLMV; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy thương mại biên giới và phát triển thương mại điện tử; cắt giảm rào cản thương mại thông qua hài hoá tiêu chuẩn và hợp chuẩn;
Phát triển các đặc khu kinh tế, khu công nghiệp; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác chia sẻ thông tin và kinh nghiệm tốt về phát triển công nghiệp.
Về phát triển du lịch, triển khai đầy đủ kế hoạch hành động 2016-2018 về hợp tác du lịch; hợp tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm; tạo điều kiện cho các công ty, hiệp hội du lịch tham gia vào các sự kiện du lịch ở khu vực; thúc đẩy hợp tác công – tư về du lịch, tăng cường liên kết hàng không.
Về phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai Chương trình học bổng CLMV do Chính phủ Việt Nam tài trợ giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu thiết lập cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động, về đào tạo nghề giữa các nước CLMV; thúc đẩy các chương trình chung và giao lưu giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo và thúc đẩy công nhận lẫn nhau về bằng cấp giữa các nước CLMV.
Về hợp tác nông nghiệp, nâng cao năng suất và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp; và gắn kết nông sản với thị trường qua các chuỗi giá trị, cân nhắc triển khai mô hình “sản xuất theo hợp đồng”; thúc đẩy hợp tác nghề cá, lâm nghiệp, chia sẻ các thực tiễn tốt và triển khai thực hành nông nghiệp bền vững.
Về hợp tác năng lượng, nâng cao hiệu suất sử dụng và bảo tồn năng lượng; hợp tác nghiên cứu phát triển các công nghệ năng lượng mới, sạch và tái tạo; quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, bao gồm nguồn nước, trong sản xuất năng lượng; khuyến khích việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật điện; thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế định giá truyền tải chung; thúc đẩy xây dựng các kênh chia sẻ thông tin giữa các nước CLMV trong lĩnh vực năng lượng.
Về hợp tác công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), tăng cường trao đổi tri thức và kinh nghiệm về chính sách và xây dựng quy định về ICT, phát triển ngành công nghiệp ICT; nâng cao năng lực ICT và kỹ năng số; thúc đẩy kết nối ICT giữa các nước; mở rộng hợp tác trong an ninh mạng; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ICT và khuyến khích các hoạt động đối thoại chính sách, giao lưu.
Các nhà Lãnh đạo giao các quan chức cao cấp nghiên cứu và kiến nghị biện pháp tinh giản hoạt động của CLMV, gắn kết hơn nữa hợp tác CLMV với các cơ chế Mê Công khác; giao các Bộ trưởng Kinh tế sớm hoàn thành xây Khung về phát triển CLMV. Lãnh đạo năm nước Mê Công cũng kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của khu vực doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong thực hiện các dự án hợp tác CLMV và hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 27 của Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) từ 11 -13/9/2018.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của HNCC CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức HNCC CLMV lần thứ 10.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia CLMV và ổn định, thịnh vượng của ASEAN.
Thủ tướng đã nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Thứ nhất, hợp tác CLMV cần tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực hạn chế và cả bốn nước đều tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác Mê Công; một số lĩnh vực cần chú trọng như kết nối hạ tầng mềm, nông nghiệp và du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, nình đảng.
Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia (lồng ghép nội dung của CLMV vào các cơ chế hợp tác Mê Công khác, thúc đẩy tham gia của các đối tác phát triển tại các cuộc họp và thực hiện dự án).
Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, thể hiện sự chủ động đóng góp của Việt Nam như việc sẵn sàng hỗ trợ các nước tham dự các hội chợ lớn tại Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số, tiếp tục triển khai chương trình học bổng CLMV, mở rộng quy mô học viên cho cả 3 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma tới học tại Trung tâm đào tạo nghề tại tỉnh Kon Tum.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại