Hướng đi để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo nhận định từ Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu |
Những tín hiệu khả quan
Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2021, ngành NN&PTNT đã nỗ lực vươn lên hoàn thành toàn diện và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành tăng khoảng 2,85 đến 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%... Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. Trong đó, nông sản chính 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; lâm sản chính 15,96 tỷ USD, tăng 20,7%; thủy sản trên 8,89 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi 434 triệu USD, tăng 2,1%...
Theo Bộ Công thương, trong năm 2022 dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU. Đây sẽ là những mặt hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Trong đó, mặt hàng số 1 là cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.
Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu, năm 2022, ngành NN&PTNT cả nước phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2,8-2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9-3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD. Các mặt hàng như trái cây, rau củ quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu đầu năm. Đây là những tín hiệu khởi sắc, tạo đà cho mục tiêu xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 49 tỷ USD và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới.
Theo nhận định từ Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu. Theo Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch đạt 391.800 ha, bằng 104,9% cùng kỳ năm trước. Sản lượng trên diện tích thu hoạch đạt 2,08 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1-2022 đạt 321.000 tấn với trị giá 162 triệu USD. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo Việt Nam duy trì ổn định ở mức 393 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, 373 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 328 USD/tấn đối với gạo 100% tấm.
Tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2021, mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song theo nhận giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua tăng cao nhưng thiếu bền vững, còn mang tính tự phát, nghĩa là chủ yếu do sự năng động của DN kết nối với thị trường nước ngoài để đưa hàng sang, chứ chưa có đề án chiến lược cho từng loại thị trường.
Để nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ngành nông nghiệp cần tập trung gia tăng chế biến, chú trọng những mặt hàng chiến lược có giá trị cao. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19. Tuy nhiên cũng có không ít thách thức như dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đòi hỏi sự chuyển đổi phù hợp về tổ chức sản xuất và cơ cấu lại kênh phân phối, kết nối cung - cầu đối với sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều DN đã có sự chủ động từ sản xuất đến thị trường, chính sự chủ động này đã đem đến thành công cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đơn cử với rau quả, sự chuyển dịch sang chế biến không chỉ phù hợp với bối cảnh hiện tại mà còn tạo được hướng đi mới, bền vững cho mặt hàng này. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ rau, trái cây thứ 9 trên bảng “xếp hạng” của thế giới. Năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 53,7% thị phần xuất khẩu trong năm 2021. Có thể thấy, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc có lợi thế là thị trường gần nhưng 2 năm nay giá trị xuất khẩu lại giảm.
Thực tế cho thấy, khi xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc, phần lớn nông sản chỉ có thể quay đầu về tiêu thụ nội địa chứ không thể chuyển hướng tiếp tục sang các thị trường khác do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Điều này phản ánh thực trạng nông dân mới chú trọng số lượng mà chưa tập trung đến các tiêu chuẩn mang tính phổ biến của thị trường toàn cầu và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế. “Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, tổ chức sản xuất theo quy trình đặt hàng. Thực hiện theo quy trình này góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng dư thừa sản lượng, bán tháo và giải cứu như hiện nay”, ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
PGS.TS Phạm Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam đã tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đã hội nhập kinh tế quốc tế với bên ngoài nhưng việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm vẫn còn hạn chế. Do đó, cần phải tạo nên chuỗi sản xuất mà trong đó DN lớn là hạt nhân lôi kéo được sự tham gia của hợp tác xã, nông dân trong chuỗi sản xuất quy mô lớn. Chuỗi sản xuất ấy phải tuân thủ quy định về vùng trồng, mã số, mã vạch, các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... thì mới tránh được rủi ro. Bên cạnh đó cần bỏ tư duy xuất khẩu “bỏ trứng vào cùng một giỏ”, phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại