Hướng đi đẩy mạnh xuất khẩu trái cây
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCó thể nói, trái cây của Việt Nam đang thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường thế giới đó là nhờ người trồng trái cây trong nước đã đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Nhiều vùng sản xuất trái cây theo chuỗi giá trị liên kết, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được triển khai đúng hướng.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngành xuất khẩu trái cây và rau củ quả nói riêng được các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều dư địa, thị trường thế giới vẫn còn nhu cầu rất lớn trong việc bổ sung dinh dưỡng và các loại vitamin hàng ngày.
Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành xuất khẩu trái cây phải có hướng khắc phục những nhược điểm còn vướng và có giải pháp cụ thể để mở rộng lối đi cho ngành này trong tương lai.
Triển vọng phát triển của trái cây tươi Việt Nam có thể nói rất khả thi, nhưng vấn đề hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội đó để giúp nâng cao giá trị các loại cây trái và tạo được nền sản xuất bền vững cần có chiến lược dài hạn.
Về lâu dài, Bộ NN&PTNT chú trọng phát triển 12 loại trái cây chủ lực gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Dự kiến, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung là 257.000ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở khu vực Nam Bộ. Trong đó, vùng ĐBSCL hơn 185.000ha, Đông Nam Bộ 72.000ha.
Bà Punthila Puripreecha, GĐ vận hành của Cty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) từng chia sẻ: “Nhiều loại quả của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng như vú sữa do Thái Lan không trồng được hay trái bơ của Việt Nam có độ béo và ngon hơn bơ trồng tại Thái Lan. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi và nông sản Việt sang Thái Lan để tiêu thụ.
Triển vọng thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, khi sản lượng trái cây đủ đáp ứng các đơn hàng như hiện nay. |
Trong năm 2018, MM Mega Market có giấy phép xuất khẩu trực tiếp và đã xuất đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng… sang 700 siêu thị BigC ở Thái Lan. Trong năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long tươi, khoai lang vào Thái Lan”.
Cũng theo chia sẻ của đại diện MM Mega Market thì quá trình trồng và thu hoạch sản phẩm cần tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP. Bởi vậy, ngành cây ăn trái Việt đã đến lúc phải chỉnh đốn lại quy trình sản xuất sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về sự an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Có như vậy mới tiến ra thị trường thế giới, để không tái diễn tình cảnh “được mùa, mất giá”.
Như vậy, sẽ thấy rằng, để trái cây Việt Nam tìm hướng đi mới, thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Nhà nước cần có chính sách đầu tư về nguồn vốn cho nghiên cứu những bộ giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam.
Đặc biệt, phát triển những bộ giống cây ăn quả tốt, đa dạng, phù hợp thị hiếu các thị trường và đa dạng về thời gian thu hoạch; đồng thời cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu. Để bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, các địa phương khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP... để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường. Những DN xuất khẩu cần thực hiện nghiên cứu thị trường để có thông tin chính xác về nhu cầu của người tiêu dùng nhằm có chiến lược mở cửa và xúc tiến thương mại phù hợp.
Ngoài xuất khẩu dưới dạng quả tươi, các DN cần đầu tư khoa học công nghệ, chuyển sang sản phẩm đóng hộp, nước ép, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nước nhập khẩu... Theo Tổng GĐ Cty TNHH Agricare Việt Nam Đàm Quang Thắng, Nhà nước nên có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho DN về vốn; hỗ trợ nông dân trong sản xuất trái cây an toàn theo quy hoạch; tạo điều kiện cho DN xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm trái cây; ưu đãi trong vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu (cước vận chuyển hiện nay khá cao so với các nước lân cận).
Cùng với đó, Nhà nước cần chú trọng nhiều hơn trong nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản trái cây tươi, tạo điều kiện cho DN nghiên cứu, nhập công nghệ để thêm nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây. Các Bộ, ngành nên đẩy mạnh đàm phán và ký kết với các nước, mở rộng thị trường nhập khẩu cho nhiều loại cây ăn quả khác nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu qua từng năm.
Với đà xuất khẩu và đầu ra khả quan như hiện nay sẽ là động lực lớn để người sản xuất mạnh dạn đầu tư và hướng tới sản xuất sạch, phát triển ngành trái cây bền vững trong tương lai.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại