Thứ bảy 23/11/2024 07:42

Hướng dẫn gia đình bị can thỏa thuận với bị hại để xin rút đơn yêu cầu khởi tố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi tiếp nhận vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích cho gia đình bị can biết được hành vi anh N.V.Q bị VKSND huyện Thạch Thất truy tố theo khoản 1 Điều 134 BLHS thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn gia đình bị can bồi thường, thỏa thuận với bị hại để bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố.
Rủ nhau đi đánh người
Rủ nhau đi đánh người

Nổi máu yên hùng

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 20g ngày 17-11-2020, bị can N.V.T, SN 1999 đã rủ 3 người là K.Q.T, SN 2002 và N.V.K, SN 2003, N.V.Q, SN 2003 đều ở xã huyện Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội cầm theo một gậy bi-a bằng gỗ đến Cty ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên địa bàn xã Hạ Bằng để đánh người trong Cty vì bị kích đểu.

Theo đó, cả 4 bị can đến cổng Cty đợi đến khoảng 20g30, khi anh L.V.T, SN 1989, ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, là quản lý của Cty hết giờ làm việc ra về để đánh. Thấy anh T đi về, các đối tượng sử dụng hai xe máy đuổi theo rồi chặn đánh anh T. Hậu quả, anh bị sưng nề bầm tím vùng trán trái, đau vùng lưng liên sườn,....

Ngày 18-11-2020, anh L.V.T đã làm đơn trình báo CQĐT. Tại Bản kết luận giám định pháp y thương tích kết luận tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của anh L.V.T tại thời điểm giám định là 01% (một phần trăm). Tại CQCA, 4 bị can đều khai nhận hành vi phạm tội và phù hợp với lời khai của bị hại, người liên quan, tài liệu nhận dạng và hiện trường vụ án.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT CA huyện Thạch Thất xác định hành vi của 4 bị can đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trúvới 4 bị can nêu trên.

Quyền được trợ giúp pháp lý

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Tất Doanh, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra vụ án, cán bộ điều tra CA huyện Thạch Thất đã giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho bị can N.V.Q và đại diện gia đình (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị buộc tội). Sau đó, gia đình bị can N.V.Q đã có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội.

Nhận được đơn yêu cầu của gia đình bị can, GĐ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã ra quyết định cử trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Tất Doanh tham gia vụ án với tư cách là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can N.V.Q.

Ngay sau khi được phân công, trợ giúp viên Nguyễn Tất Doanh đã liên hệ gặp gia đình và phân tích cho bị can N.V.Q, đại diện gia đình bị can về hành vi, tội phạm, hình phạt đối với hành vi của bị can N.V.Q. Mặc dù, bị can không phải là người trực tiếp gây ra thương tích cho bị hại và thương tích này không lớn nhưng do đồng phạm đã cầm hung khí là gậy bi-a đánh bị hại nên hành vi của các bị can đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS mà bị can N.V.Q tham gia với vai trò đồng phạm.

“Tôi đã giải thích cho gia đình, bị can bị VKSND huyện Thạch Thất truy tố theo khoản 1 Điều 134 BLHS thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, tôi đã phân tích cho gia đình bị can bồi thường, thỏa thuận với bị hại để xin bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì TAND huyện Thạch Thất sẽ đình chỉ giải quyết vụ án”, anh Doanh nói.

Theo anh Doanh, trong vụ án này, thương tích của bị hại không lớn nhưng các bị can bị khởi tố do dùng hung khí là gậy bi-a. Gia đình các bị can và bị hại đã đạt được thỏa thuận nên ngày 6-5-2021, bị hại đã có đơn rút yêu cầu khởi tố. Ngày 13-5-2021, TAND huyện Thạch Thất đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tham gia 984 vụ (tăng 90 vụ so với năm 2020). Điều này cho thấy đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là lĩnh vực tham gia tố tụng. Các vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tham gia tố tụng ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, nhận được sự phản hồi tích cực của người được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội còn tích cực tham mưu cho Sở Tư pháp, UBND TP ban hành các Kế hoạch triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý; tham mưu, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tham gia 984 vụ (tăng 90 vụ so với năm 2020). Nguồn lực để thực hiện trợ giúp pháp lý đã được đảm bảo, nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Tỷ lệ số lượng Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng là 100%. Số lượng Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu tham gia vụ việc tố tụng đạt tỷ lệ là 100%. Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá trở lên đạt tỷ lệ là 60,9%, trong đó chỉ tiêu tốt đạt 41,3%.
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động