Chủ nhật 19/05/2024 18:51

Hơn 860.000 thí sinh cả nước dự thi THPT quốc gia 2017

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hôm nay 22-6, hơn 860.000 học sinh lớp 12 cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT vừa công bố thống kê số lượng điểm thi, phòng thi của từng địa phương trong cả nước. Theo đó, toàn quốc sẽ có 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi. Công tác an ninh, an toàn được đặc biệt chú trọng.

Bộ thành lập 10 đoàn thanh tra theo khu vực

TP HCM là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất, 114 điểm thi. Hà Nội và Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có lượng điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi. Ngày 22, 23 và sáng 24-6 các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi chính thức. Với 2,5 ngày thi thực tế, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 rút ngắn hơn so với năm 2016 1,5 ngày.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Để đảm bảo công bằng nghiêm túc cho tất cả các thí sinh cần nhiều giải pháp. Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế thì có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát. Thứ nhất, phải kể đến lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát. Cán bộ làm giám sát sẽ có nhiệm vụ rất cụ thể: Có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định.

Thứ hai, thanh tra các Sở, họ sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ, thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi các cấp cũng thường xuyên kiểm tra công tác thi theo thẩm quyền.

Để thực hiện việc thanh tra, Bộ đã thành lập 10 đoàn thanh tra chia theo khu vực. Thanh tra không cần có mặt liên tục ở tất cả các điểm thi và không nhằm trực tiếp để xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng. Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh để làm sao giúp các hội đồng thi làm đúng. Qua đó tác động vào cả hệ thống.

“Giống như mọi năm, Bộ vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất. không báo trước. Chúng tôi sẽ làm thế và chỉ đạo các Sở cũng làm như vậy. Ví dụ: Đoàn thanh tra phụ trách 2 tỉnh, thì đương nhiên tỉnh biết chúng tôi đến nhưng chúng tôi đến điểm nào trong cụm thi đó thì họ không biết trước. Tương tự chúng tôi chỉ đạo Sở thành lập các đoàn. Ví dụ sở đó, hội đồng đó có 6 điểm thi thì đoàn thanh tra của sở đến điểm nào cũng không báo trước cho họ, nhằm đảm bảo sự việc một cách khách quan, giúp cho người làm đúng và quản lý tốt. Thanh tra phải xuất kỳ bất ý. Mọi chủ thể tham gia làm thi đều là đối tượng thanh tra. Không nên nghĩ rằng hôm nay đoàn thanh tra đến rồi thì ngày mai đoàn không đến nữa” – ông Nguyễn Huy Bằng nói.

Năm nay công tác thanh tra có điểm mới là các Sở, các GĐ Sở thành lập các đoàn thanh tra trong các đó có cán bộ của trường ĐH tham gia để tăng tính khách quan. Các trường ĐH tham gia vào cuộc thi này không chỉ với tư cách là giám thị, giám sát mà còn trực tiếp làm thanh tra.

Bên cạnh việc cử các đoàn thanh tra theo khu vực như nêu trên, Bộ còn có đoàn thanh tra thường trực có nhiệm vụ tổng hợp tình hình từ các Sở, các đoàn; trực đường dây nóng; khi cần sẽ điều đi hỗ trợ các địa phương khi phát sinh vấn đề phức tạp.

1
Các thí sinh sẽ thi THPT quốc gia trong 2,5 ngày, thời gian ít hơn các năm trước 1,5 ngày. ẢNH: P.T

Chuẩn bị tất cả các phương án hỗ trợ khi cần thiết

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội năm 2017 yêu cầu, Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với CATP; các Sở: GTVT, Y tế; các trường ĐH; UBND các quận, huyện… chuẩn bị mọi điều kiện nhất cho thí sinh, đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, an toàn tuyệt đối.

CATP Hà Nội đảm bảo an ninh trật tự trong, ngoài và xung quanh điểm thi. Sở GTVT làm tốt công tác phân luồng tránh ùn tắc trước, trong và sau thời gian thi. Sở Y tế cử cán bộ trực tại mỗi điểm thi. Đoàn thanh niên bố trí lực lượng tình nguyện hỗ trợ…

Sở GD&ĐT phối hợp CATP, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức kỳ thi, phân công nhiệm vụ cụ thể, có phương án xử lý kịp thời, khắc phục những tình huống có thể xảy ra. Các điểm thi cần lên phương án đề phòng bão lốc làm tốc mái, mưa dột ở phòng thi, ngập nước cục bộ tại các điểm thi; chống ùn tắc giao thông; các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi…

GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: Điểm đáng lưu ý của kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội năm nay là không có thanh tra "cắm chốt" ở mỗi điểm thi. Thay vào đó là đội thanh tra lưu động, kiểm tra đột xuất ở các điểm thi nhằm kịp thời phát hiện sai phạm nếu có. Nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là những huyện ngoại thành có điểm thi đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Qua kiểm tra các địa phương thì thấy rằng các địa phương vào cuộc nghiêm túc, quán triệt sâu sắc chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, huy động tất cả nguồn lực tốt nhất tổ chức kỳ thi chu đáo. Các ban ngành ở các địa phương, sự phối hợp của các trường ĐH cũng diễn ra rất suôn sẻ. Vì vậy, chúng ta có thể dự đoán được kỳ thi năm nay sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng bởi vì thí sinh thi ngay tại địa phương, ngay tại trường mình đang học.

Phan Thủy / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động