Thứ hai 29/04/2024 06:34

Bộ GD&ĐT có ý kiến về điểm thi THPT quốc gia: Điểm 10 thực sự rất giá trị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - 63/63 tỉnh thành của cá nước đã công bố điểm thi THPT quốc gia. Và ngay lập tức, con số hàng nghìn thí sinh đạt điểm 10 ở hầu khắp các môn thi đã khiến cho câu hỏi: Có phải đề thi năm nay quá dễ lại được lặp lại.

Lý giải về hiện tượng "mưa điểm 10" trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, điểm 10 tăng cao không có nghĩa là coi thi không nghiêm túc hoặc đề thi quá dễ mà cần đánh giá trên tổng thể phổ điểm thi của thí sinh. Và nếu cân nhắc phổ điểm ban đầu, thì điểm 10 thực sự có giá trị, có tính phân tầng.

Không phải do đề thi dễ

Thứ trường Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bộ đang phân tích kết quả đối với từng môn thi và kết quả các tổ hợp xét tuyển ĐH. Bộ sẽ sớm công bố các kết quả phân tích này để thí sinh nghiên cứu quyết định việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình.

Đánh giá chung, phổ điểm các môn thi năm nay rất tốt, phân bố đều, tính phân loại cao, điểm trung bình khoảng từ 4-6 điểm đối với hầu hết các môn thi. Do yêu cầu đề thi phải đạt cả hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH nên ban đề thi đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo chất lượng đề thi năm nay. Phổ điểm kết quả thi một số môn thi điển hình Vật lý, Sinh học, Lịch sử dưới đây thể hiện rất rõ chất lượng đề thi tốt.

Điểm 10 tăng cao không có nghĩa là coi thi không nghiêm túc hoặc đề thi quá dễ. Đề thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa có sự khác biệt cơ bản so với đề thi tự luận. Đề thi này được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa bao gồm những ô chứa câu hỏi có mức độ khó dễ khác nhau.

Ví dụ ô câu hỏi dễ bao gồm tất cả những câu hỏi tương đương trong tất cả các chương của giáo trình; ô chứa câu hỏi rất khó cũng bao gồm tất cả các chương trong giáo trình. Khi thi bằng phương pháp tự luận, mỗi đề thi chỉ có một vài câu khó nên không thể bao quát hết chương trình được.

Vì thế chỉ những thí sinh “trúng tủ” mới làm được các câu hỏi khó. Nay thi trắc nghiệm khách quan với 24 mã đề thi khác nhau thì số câu hỏi khó rất nhiều và bao quát hết chương trình nên nhiều thí sinh có thể làm được. Đó là ưu điểm của thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, giúp giảm học lệch, học tủ ở phổ thông.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận với việc coi thi nghiêm túc, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh chỉ có một vài phút để làm một câu hỏi thế mà các em đã làm đúng hết tất cả các câu hỏi của bài thi bao quát toàn bộ chương trình thì các em hoàn toàn xứng đáng đạt điểm 10.

1
Năm nay, nhiều thí sinh điểm 10 nhưng cũng nhiều thí sinh trượt, phổ điểm thi không có gì bất thường, như vậy, đánh gia đề thi quá dễ theo Bộ GD&ĐT là chưa chính xác . Ảnh: P.T

Số lượng trượt không hề nhỏ

Bên cạnh một số em đạt điểm 10 thì cũng có rất nhiều em đạt điểm 0, điểm 1 và phổ điểm không lệch về phía phải (phía điểm cao). Vì thế đề thi không phải là dễ.

Phân tích ban đầu về phổ điểm thi, ý kiến từ Bộ GD&ĐT cho rằng: Phổ điểm năm nay không có gì bất thường, phân bố đều đặn. Điều này thuận lợi cho các trường tuyển chọn thí sinh. Nếu phổ điểm quá dốc, các trường sẽ rất khó khăn trong việc tuyển sinh, vì chỉ cần giảm hay tăng nửa điểm, số lượng thí sinh thay đổi, các trường phải sử dụng tiêu chí phụ. Còn bây giờ phổ điểm đều thì giảm hay tăng nửa điểm số lượng thí sinh không quá thay đổi, điều này tạo thuận lợi.

Thứ hai, đồ thị trong phổ điểm đều và không quá lệch về phía tay phải hay trái như mọi năm.

Ở các năm thi ba chung, đề thi khó nên phổ điểm thường lệch về phía tay trái. Hiện tại phổ điểm đúng vào chính giữa phản ánh chất lượng đề thi có điều chỉnh tốt. Số lượng thí sinh điểm cao và số lượng điểm thấp là 9, 10 và 0, 1,2 cũng có không nhiều hay quá ít như mọi năm.

Ông Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đây là những điểm 10 thực sự bởi với đề thi đã được chuẩn hóa như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng chúc mừng. Nhìn ở số liệu phân tích thống kê tại 59 tỉnh, TP, số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn.

Ví dụ, theo số liệu phân tích sơ bộ, môn Toán có 278 điểm 10 nhưng có 761 điểm 0. Như vậy, phổ điểm rất đẹp. Ở môn Toán, có 1.577 em là điểm từ 1 trở xuống tức là điểm liệt. Nếu các em này mà thi THPT quốc gia tức là bị trượt tốt nghiệp. Vậy con số này cũng rất lớn. Điểm trung bình của môn Toán là 5,18 điểm. Điểm dưới trung bình dưới 5 chiếm xấp xỉ 49.2%. Như vậy, điểm 10 là vô cùng giá trị.

“Với quá trình làm đề theo công nghệ quy trình của Hoa Kỳ, tất nhiên lịch sử làm đề thi của họ là 200 năm còn của mình là 2 năm thì mọi thứ chưa được gọi là hoàn hảo. Tuy nhiên, bước đầu đã phân hóa được thí sinh, có dải phổ cân đều hai phía hoặc không quá cao về một vị trí nào đó, hoàn toàn có thể phân loại thí sinh ở kết quả phổ điểm. Tuy nhiên, cũng cần phải rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ thầy cô, học sinh và toàn xã hội về đề thi để có những điều chỉnh cho những năm sau để có đề thi tốt hơn” – ông Sái Công Hồng đánh giá về đề thi năm nay.

Điểm sàn ĐH không dao động nhiều
Trong vài ngày tới, Bộ sẽ phân tích kết quả và dự kiến ngày 12-7 sẽ công bố ngưỡng chất lượng đầu vào năm nay. Đối với các trường ĐH thì phổ điểm kết quả thi 3 môn trong tổ hợp xét tuyển mới là dữ liệu quan tâm. Nếu phổ điểm 3 môn trong tổ hợp đều, không bị “dốc” bất cứ điểm nào thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi.
Bởi khi đó nếu chúng ta tăng nửa điểm hoặc giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh sẽ không tăng, không giảm nhiều. Đó là điều mà các trường đh rất mong muốn để không phải áp dụng đến giải pháp dùng tiêu chí phụ.
Mặc dù đến nay bộ phận kỹ thuật chưa báo cáo đầy đủ kết quả phân tích các môn thi nhưng qua phân tích sơ bộ phổ điểm một số môn, tôi tin phổ điểm 3 môn của các tổ hợp sẽ rất đều, giúp các trường có thể xác định được điểm chuẩn các ngành học thuận lợi.

Phan Thủy / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động