Thứ hai 29/04/2024 12:59
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV:

Hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Vòng thi toàn quốc, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2023.
1-	Đội thi tỉnh Thanh Hóa với phần thi giới thiệu. Ảnh: Khánh Huy
Đội thi tỉnh Thanh Hóa với phần thi giới thiệu. Ảnh: Khánh Huy

Nhận thức sâu sắc vai trò, sự đóng góp quan trọng của đội ngũ hòa giải viên, những năm qua, việc bồi dưỡng kỹ năng, tăng cường năng lực cho đội ngũ này thông qua nhiều hoạt động khác nhau đã được các ngành, các cấp thực sự quan tâm. Trong đó, theo định kỳ 5 năm 1 lần, Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc đã được tổ chức, tạo sân chơi bổ ích để các hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và giao lưu.

Tôn vinh hiến pháp, pháp luật về giá trị pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Năm 2023, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương quyết định tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Ban tổ chức Hội thi đã tổ chức 3 vòng thi khu vực để tìm ra 14 đội thi xuất sắc bước vào Vòng thi toàn quốc, gồm Đội thi Hòa giải viên giỏi của các tỉnh, TP: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Với mong muốn, Hội thi là đợt sinh hoạt văn hóa, pháp lý nhằm phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống hằng ngày của người dân; tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước. Đặc biệt, đây là hoạt động thiệt thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội thi nhấn mạnh, hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, là hoạt động có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống. Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội bày tỏ, Hà Nội rất vinh dự và tự hào khi được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chọn là nơi đăng cai tổ chức cuộc thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, ngày hội tôn vinh hiến pháp, pháp luật về giá trị pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và những người làm công tác pháp luật.

2-	Ban tổ chức tặng hoa các đội thi tại Hội thi
Ban tổ chức tặng hoa các đội thi tại Hội thi. Ảnh: Khánh Huy

Nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở

Theo ông Lê Hồng Sơn, Hà Nội có gần 5 nghìn tổ hòa giải với hơn 32 nghìn hòa giải viên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt là sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Trong 10 năm qua, các hòa giải viên trên địa bàn TP đã giải quyết được nhiều vụ án tranh chấp mâu thuẫn phát sinh trong đời sống xã hội, tỷ lệ hòa giải thành luôn cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn trật tự xã hội, hội nhập quốc tế vì Thủ đô bình yên, văn hiến, văn minh và hiện đại.

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV là dịp để biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội để các hòa giải viên học hỏi trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp lý, kỹ năng hòa giải. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống.

Để Hội thi được tổ chức thành công, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị mỗi Đội thi thực hiện thật tốt phần thi của mình, thể hiện sự tinh thông kiến thức pháp luật và sử dụng nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải, dân vận khéo trong hóa giải những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp trong cuộc sống. Đây chính là sự cổ vũ, động viên cho những đóng góp, cống hiến của đội ngũ hòa giải viên trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng quê hương yên bình, đất nước giàu đẹp.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ban Giám khảo làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, thật sự khách quan và công tâm khi đánh giá, chấm điểm các phần thi để chọn những Đội thi xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất để vinh danh, biểu dương.

Tại Hội thi, 14 đội thi đã lần lượt thực hiện các phần thi giới thiệu, lý thuyết và tiểu phẩm của mình.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Hà Nội vinh dự là một trong 14 tỉnh, TP lọt vào Vòng thi toàn quốc Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV năm 2023. Đến tham gia cuộc thi, Hà Nội đã thành lập đội thi, xây dựng nội dung phần thi, trong đó, giới thiệu về đội thi và đặc điểm, tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của TP Hà Nội, đặc trưng văn hóa xã hội, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, chính trị kinh tế và các yếu tố khác tác động đến công tác hòa giải ở cơ sở hoặc đóng góp của công tác hòa giải ở cơ sở đối với an ninh trật tự, sự phát triển của TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Viết Thành, hòa giải viên Đội thi của TP Hà Nội chia sẻ: “Tham gia Hội thi chúng tôi học tập được rất nhiều kinh nghiệm hòa giải ở các địa phương khác. Chúng tôi đúc kết ra tinh thần là trong công tác hòa giải thì cố gắng vận dụng linh họat giữa “tình - lý, lý – tình”. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể và cố gắng phân tích được bản chất của mâu thuẫn để tìm ra phương án giải quyết và có thể sử dụng những mối quan hệ xung quanh như họ hàng, hàng xóm để giải quyết mâu thuẫn đó. Cố gắng tận dụng những câu tục ngữ về quan hệ Nhân dân ví dụ như “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”…, tận dụng những mối quan hệ được Nhân dân đúc kết để giải quyết những mâu thuẫn trong các tình huống cụ thể”.

14 đội thi tranh tài tại Hội thi hòa giải viên giỏi Toàn quốc lần thứ IV năm 2023
Quận Bắc Từ Liêm sôi nổi hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam
Công Phương – Lê Mận – Khánh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động