Thứ sáu 22/11/2024 16:20

Hoạt động đào tạo hướng đến kỹ năng sản xuất báo chí đa phương tiện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, chiều 17/3 tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay” đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.
Hoạt động đào tạo hướng đến kỹ năng sản xuất báo chí đa phương tiện
Quang cảnh tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”. Ảnh: Duy Linh

Tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam).

Hoạt động đào tạo hướng đến kỹ năng làm báo đa phương tiện

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Lợi khẳng định, trong những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy hiệu quả trong cả nước. Thời gian tới, hoạt động đào tạo sẽ hướng đến kỹ năng làm báo đa phương tiện, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo đó, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đồng thời tiếp tục khai thác, mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.

Chia sẻ về phương hướng hoạt động trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Hải Vân cho hay đi đôi với bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, tăng cường bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp báo chí cho hội viên bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng chú ý đến việc củng cố, xây dựng, đào tạo và đào tạo đội ngũ giảng viên mới, là những nhà báo trẻ, vững tay nghề và am hiểu công nghệ sẽ là lực lượng nòng cốt để phát triển các lớp học trực tuyến và những lớp về chủ đề chuyển đổi số. Từ đó, trung tâm sẽ tổ chức thêm được nhiều lớp học bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhu cầu hội viên.

Cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho đội ngũ làm báo tại các tỉnh

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, theo các đại biểu các khóa bồi dưỡng của Trung tâm trong thời gian qua có một số điểm mới, như: Đã bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả. Chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn cần có nhiều điểm cần khắc phục. Theo nhà báo Hoàng Lâm, Uỷ viên Ban Biên tập, Tổng Thư ký toà soạn báo Lao động, quy định về việc phóng viên được cử đi đào tạo phải có 1 năm làm báo chính thức, trong khi có những phóng viên trẻ cần được đào tạo ngay chứ không thể đợi năm sau đủ điều kiện để tham gia. “Tôi nghĩ rằng sinh viên mới ra trường cũng có thể tham gia các lớp của trung tâm”, ông Lâm nói.

“Khi học xong lớp đào tạo thì chúng tôi đi tìm những nguồn tài liệu từ trung tâm và các thầy, các giảng viên chuẩn bị rất kỹ. Tuy nhiên, khi tìm tài liệu để học lại và đào tạo lại thì cũng rất khó khăn. Nếu như bằng cách nào đó, chúng ta cần một kho tài liệu, kho kiến thức để ai ai cũng có thể tiếp cận để tìm kiếm được”, đại diện báo Lao Động cho biết.

Còn theo ông Lê Văn Toà, Chủ tịch Hội Nhà báo Lâm Đồng, nhu cầu bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí tương đối lớn mà trung tâm không thể đáp ứng được nhu cầu của các địa phương. Ông đề nghị, về nội dung, tăng cường các phương pháp làm báo hiện đại, đặc biệt đưa công nghệ số và sử dụng trí tuệ nhân tạo vào trong hoạt động báo chí.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho đội ngũ những người làm báo tại các tỉnh, thành sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ. Đồng thời, cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả.

Hoạt động xúc tiến cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm Hoạt động xúc tiến cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm
Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2% Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động