Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%. |
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm
UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 83/KH-UBND về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 14.720 người, trong đó: Đào tạo cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật; người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; người chấp hành xong hình phạt tù là 14.202 người.
Đào tạo cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là 500 người. Thông qua đào tạo góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 52,5% trở lên.
Để làm tốt nhiệm vụ này, UBND TP giao các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn TP trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP.
Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ đào tạo, mức hỗ trợ các đối tượng, các nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trình UBND TP phê duyệt. Xây dựng kế hoạch, triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.
Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; thông tin tuyên truyền về kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP.
UBND các quận, huyện và thị xã chỉ đạo, thực hiện các nội dung kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn TP. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thành phố ban hành, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo quy định. Chủ động bố trí ngân sách, nguồn nhân lực, lồng ghép các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao của kế hoạch.
Tổ chức tuyên truyền về chính sách, kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lực lượng lao động trên địa bàn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động các đối tượng lao động trên địa bàn tham gia học nghề, giải quyết việc làm. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động theo quy định hiện hành. Phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học nghề, giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, tăng năng suất lao động và có thu nhập ổn định.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Thống kê năm 2022 cho thấy, Hà Nội đã tạo việc làm cho 62.700 lao động từ việc xét duyệt, giải ngân cho hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội. Doanh số cho vay từ nguồn này ước đạt 3.000 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch (theo Kế hoạch số 34/KH-UBND, mục tiêu cho vay từ nguồn vốn ngân sách TP chỉ là 1.924 tỷ đồng). Bằng nhiều giải pháp quyết liệt của TP, các cấp, các ngành, hội đoàn thể đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,18% (giảm 0,79% so với năm 2021), bảo đảm mức dưới 4% theo kế hoạch đề ra.
Cùng với đó, một số đơn vị đã triển khai tích cực các giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, hoàn thành vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đưa ra. Cụ thể, huyện Phú Xuyên giải quyết việc làm cho 5.048/3.200 lao động, đạt 157%; quận Long Biên giải quyết được việc làm cho 8.662 lao động/6.000 lao động, đạt 144% theo kế hoạch; huyện Ứng Hòa giải quyết việc làm cho 5.717/4.200 lao động, đạt 136%; huyện Thanh Oai giải quyết việc làm cho 4.700/3.500 lao động, đạt 134%.
TP Hà Nội đặt ra trong năm 2023 là đẩy nhanh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu phát triển các hoạt động trên môi trường số; đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thúc đẩy. Học sinh, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để hình thành, hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện Hà Nội có 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Riêng trong năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh được hơn 250.000 lượt người, đạt 112% kế hoạch. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay, năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức < 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%.
Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp đã được UBND thành phố đề ra, bao gồm: Hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm thành phố; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Trước mắt, trong quý II/2023, cần tổ chức hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm, gồm 53 phiên giao dịch việc làm hằng ngày; 1 phiên giao dịch việc làm online; 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề; 1 phiên giao dịch việc làm lưu động; giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội là 432 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7.200 lao động..." - ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.
Năm 2023, TP Hà Nội sẽ tập trung đầu tư 4 trường cao đẳng công lập trực thuộc thành trường chất lượng cao, với một số nghề trọng điểm: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 16 trường được đầu tư trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia. |
Cần quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại | |
Hà Nội: Đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm cho người lao động |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại