Hoạt động xúc tiến cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, cần tổ chức các đoàn xúc tiến chuyên đề, chuyên sâu trong cả 3 lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, gắn kết hoạt động xúc tiến với chương trình công tác của Hà Nội; qua đó nâng tầm hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Thủ đô. |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội, năm 2022, TP Hà Nội đã tổ chức 172 hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đổi mới phương thức tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, quốc tế mở rộng sản xuất. Đồng thời giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình tuần hàng, Festival…; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch qua các lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tổ chức, đối tác quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc… để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội hoạt động xúc tiến đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021. Thu hút 1.692 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 10,3% so với năm 2021. Ngành du lịch Thủ đô đã đón 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021; trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến thương mại du lịch của Hà Nội gặp không ít khó khăn khi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến thu hút vốn đầu tư nước ngoài như thông tin quy hoạch, giá đất, lao động... chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, UBND TP Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội nên tổ chức các đoàn xúc tiến chuyên đề, chuyên sâu trong cả 3 lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, gắn kết hoạt động xúc tiến với chương trình công tác của Thành ủy và UBND TP qua đó nâng tầm sự kiện, hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Thủ đô. Đồng thời nên tinh giản cơ quan xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu môi trường đầu tư, hợp tác kinh doanh của TP Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hoạt động xúc tiến do nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến dàn trải chưa đi vào chiều sâu nên việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công xúc tiến còn hạn chế, nguyên nhân là bởi trên địa bàn TP Hà Nội chưa có trung tâm hội chợ, triển lãm có quy mô lớn dẫn đến việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, Hà Nội dự kiến sẽ triển khai 167 hoạt động xúc tiến, thương mại, du lịch trong đó có 50 hoạt động cấp TP.
“Thời gian tới trong quá trình triển khai hoạt động xúc tiến, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội nên xây dựng kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội theo hướng dài hạn, phù hợp xu thế chung của quốc tế. Hoạt động xúc tiến năm 2023 cần triển khai theo hướng có trọng tâm, trọng điểm trong đó chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại