Hòa giải viên “thấu tình, đạt lý”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHàng năm UBND huyện Ba Vì quan tâm, chú trọng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho hòa giải viên cơ sở |
Hòa giải thành đạt từ 80% trở lên
Toàn huyện Ba Vì có hơn 200 tổ hòa giải ở cơ sở, các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ được tổ chức hàng năm, giúp các hòa giải viên nắm chắc các kỹ năng hòa giải cơ sở. Đồng thời, nắm được các nội dung của Luật Hòa giải cơ sở, nhằm vận dụng những kiến thức này vào giải quyết các vụ mâu thuẫn tại địa phương.
Được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền nên nhiều năm qua các tổ hòa giải ở Ba Vì hòa giải thành công thường đạt từ 80% các vụ việc trở lên. Thông qua hòa giải đã góp phần giải quyết mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm… Từ đó, đơn thư vượt cấp được giảm tải cho tuyến trên.
Một trong những tổ hòa giải tiêu biểu ở Ba Vì là tổ hòa giải thôn Đông An, xã Thụy An. Tuy mới sáp nhập 3 thôn vào một nhưng đến nay Đông An ngày càng đổi mới, tình hình ANCT- TTATXH luôn được đảm bảo, đời sống Nhân dân ngày càng phát triển. Để có được kết quả này, ngoài sự đồng lòng của người dân thì phải kể đến công sức của tổ hòa giải thôn Đông An luôn hết lòng vì quê hương.
Bà Đinh Thị Phương Mến, Bí thư chi bộ thôn Đông An chia sẻ, nhờ được sự quan tâm của các cấp, các buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho hòa giải viên đã giúp các hòa giải viên nâng cao năng lực trong công tác. Hiểu biết và vận dụng thành công các kỹ năng hòa giải, Luật Hòa giải cơ sở vào cuộc sống… giúp hòa giải thành các vụ việc.
Nói về công tác hòa giải, ông Trương Công Kế, Trưởng thôn Đông An cho hay, điều khó hòa giải ở Đông An là đời sống ngày càng phát triển sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự. Bên cạnh đó, cuộc sống thường ngày của người dân cũng không còn được gắn bó như xưa nên công tác hòa giải khá gian nan, vất vả. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, xác định hòa giải luôn là nhiệm vụ quan trọng nên từ cấp ủy chi bộ khi có đơn đề nghị hòa giải đến thôn, cấp ủy phải nhanh chóng vào việc, tìm hiểu ngọn ngành để từ đó giải quyết kịp thời, chứ không để mâu thuẫn kéo dài âm ỷ, từ việc này sang việc khác, ảnh hưởng đến phong trào của thôn.
Ông Kế chia sẻ: “Với vai trò là Trưởng thôn, người đứng đầu nên trong công tác hòa giải tôi luôn có phương châm là phải làm thật tốt công tác này. Do đó, trước khi hòa giải vụ việc gì tôi cũng tổ chức các cuộc họp với chính quyền thôn, các chi hội đoàn thể để thống nhất phương án hòa giải, tìm hiểu ngọn ngành, kết hợp việc áp dụng pháp luật, Luật Hòa giải cơ sở để có thể hòa giải thành công”.
Bám sát chương trình, kế hoạch của các cấp
Nhiều năm qua, tổ hòa giải thôn Đông An đã luôn vận dụng kiến thức về pháp luật, lấy tình làng nghĩa xóm, cuộc sống gắn bó trong gia đình để hòa giải thành. Các vụ hòa giải đảm bảo hài hòa, đúng pháp luật, tổ hòa giải luôn bám sát các chương trình, kế hoạch của UBND TP, Sở Tư pháp TP, UBND huyện và chính quyền xã cùng kết hợp với các điều luật trong Luật Hòa giải cơ sở. Với nhiều cách làm như vậy mà tổ hòa giải thôn đã hòa giải thành công nhiều vụ việc khác nhau và trở thành một trong những tổ hòa giải tiêu biểu ở huyện Ba Vì.
Có những vụ mâu thuẫn phức tạp đều được tổ hòa giải thôn Đông An hòa giải thành. Trong đó, phải kể đến vụ việc của gia đình ông T, sau khi bố ông T mất, ông muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bố sang tên mình. Tuy nhiên, việc này bị các anh em của ông T không đồng ý và phản ứng gay gắt. Nguyên nhân chủ yếu là do ông T đã phủ nhận việc đóng góp của các anh em trong gia đình về việc lo ma chay cho bố.
Thường thì các vụ việc liên quan đến đất đai đã là phức tạp, mà lại còn là mâu thuẫn giữa anh em trong gia đình nên việc hòa giải càng khó khăn hơn. Song, sau khi nắm bắt được tình hình, tổ hòa giải thôn Đông An đã bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất các phương án hòa giải.
Sau đó, tổ hòa giải đã lựa chọn thời điểm thích hợp rồi đến gặp gỡ từng người trong đại gia đình ông T, vừa nhẹ nhàng chia sẻ, vừa mềm mỏng phân tích cho ông T cũng như các anh em của ông. Khi các bên đã xuôi, dần hiểu ra những việc làm của mình là chưa đúng thì tổ hòa giải yêu cầu các anh em của ông T cùng ngồi lại họp gia đình, phân tích cái đúng, cái sai của ông T cũng như anh em trong nhà.
Từ lòng nhiệt tình, sự thấu hiệu, sự công tâm của tổ hòa giải, ông T đã hiểu và đứng ra xin lỗi các anh em trong gia đình. Sau đó, các anh em của ông T đã đồng ý cho ông quyền thừa kế mảnh đất mà bố để lại. Mâu thuân gia đình được hóa giải, anh em lại hòa thuận, vui vẻ cùng nhau lo nhang khói cho bố…
Với những kết quả đạt được, tổ hòa giải thôn Đông An đã góp phần mang lại bình yên trên quê hương, xây dựng Đông An ngày càng phát triển về mọi mặt.
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP đến nay đã đi vào nền nếp, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được khẳng định và được Nhân dân ghi nhận. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại