Thứ ba 23/04/2024 13:41

Hệ lụy từ việc loạn các bài thuốc điều trị Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, 3 bệnh nhi thủng dạ dày/nhiễm Covid-19 đã được các bác sĩ xử lý kịp thời ở Hải Phòng. Điều đáng nói, nguyên nhân của các ca thủng dạ dày này được các bác sĩ nghi ngờ liên quan đến việc dùng thuốc khi trẻ mắc Covid-19. Sự việc trên lại một lần nữa báo động tình trạng uống thuốc bừa bãi hoặc nghe theo những chỉ dẫn vô căn cứ của các “bác sĩ facebook” đang tràn lan trên mạng xã hội.
Một trong các toa thuốc điều trị Covid-19 được chia sẻ trên mạng xã hội
Một trong các toa thuốc điều trị Covid-19 được chia sẻ trên mạng xã hội

“Ma trận” điều trị Covid-19

Khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng cao là cũng là lúc là bệnh nhân bị bủa vây bởi ma trận lời khuyên, bài thuốc cùng trăm phương ngàn kế… các cách điều trị Covid-19. Trong cái cách mà người ta mách nhau công khai trên mạng xã hội có những bài thuốc tích cực, có những bài thuốc tiêu cực, có những chỉ dẫn rất cụ thể, sát sao và sau đó là những rỉ tai để… bán thuốc. Chưa bao giờ có thể dễ dàng để có một lời khuyên về điều trị Covid-19 đến thế. Ngày nào cũng vậy, mặc dù báo chí, truyền thông ra rả hàng ngày khuyến cáo về việc các bệnh nhân Covid-19 không nên tự ý dùng thuốc nhưng vẫn không hiếm những người vẫn đều đều lên mạng để tìm kiếm phương thuốc điều trị Covid cho mình. Thậm chí có những người còn tư vấn dùng thuốc như một bác sĩ mặc dù… chưa một ngày học nghề Y. Cũng có nhiều người có thể có sự tư vấn dùng thuốc của bác sĩ, và sau khi khỏi bệnh, họ đem đúng bài thuốc đó để truyền đạt cho người khác.

Đáng nói hơn nữa, ngoài những mách nước sử dụng thuốc tràn lan, trên mạng xã hội còn đang tranh cãi khá dữ dội về cách điều trị theo Đông y và Tây y. Nhiều những phương pháp mặc dù chưa từng được nghiên cứu hoặc các chuyên gia y tế hướng dẫn, hoặc chứng minh về công dụng nhưng vẫn được mọi người chia sẻ và áp dụng rộng rãi. Điển hình như việc tích cực xông thảo dược, uống vitamin, dùng xuyên tâm liên hoặc các thuốc điều trị có xuất xứ từ Trung Quốc… Tương tự đó là cái cách người ta “khuyến cáo” nhau không nên tắm, gội khi bị Covid-19, hoặc chỉ nhau cách mua máy xông mũi, họng với những viên thuốc xông kèm theo. Đơn cử nhiều người còn chụp cả lọ thuốc với nhãn mác ghi rất rõ “Dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 theo công thức gia truyền của Hải Thượng Lãn ông” hoặc gói thuốc Đông y với những dược liệu như cam thảo, quế chi, nhân sâm…

Không biết hiệu quả các phương thuốc ra sao, nhưng thực tế nhiều người đã tin và tìm mua theo những đơn thuốc như trên mạng xã hội chia sẻ. Vừa tìm được một toa thuốc trên mạng xã hội thông qua một nhóm hỗ trợ trên mạng xã hội, anh Nguyễn Thanh Lâm (Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi thấy có rất nhiều nhóm chia sẻ hàng trăm toa thuốc đông y và tây y trong điều trị Covid-19 tại nhà. Những bài thuốc này đều được những “cựu F0” hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ về liều lượng tùy theo từng loại triệu chứng của từng người. Tôi cũng không biết các F0 này có phải là bác sĩ hay không nhưng khi tôi nhắn tin cần tư vấn, tôi thấy họ tư vấn khá nhiệt tình nên tôi cũng tin tưởng và chọn một toa thuốc tây y gồm: thuốc hạ sốt, vitamin C, nước súc họng, thuốc kháng viêm, kháng đông… để về dùng. Tôi còn mua thêm hai toa thuốc nữa để dành cho người thân trong nhà dùng khi mắc”.

Đừng thần thánh hóa các loại thuốc hay các biện pháp điều trị

Loạn tư vấn dùng thuốc trên mạng xã hội cùng với sự tận dụng để bán thuốc của những người tư lợi gây ra những hệ quả đáng tiếc. Theo chị Trần Trang (Hoàng Mai), có bệnh thì vái tứ phương, đó là tâm lý của con người ta. “Giờ dịch căng quá nên người ta đua nhau chia sẻ các loại thuốc điều trị. Nhiều người họ không quan tâm là thuốc ai kê, có được tư vấn không. Chỉ cần nghe kiểu người nhà em dùng cái này, dùng cái kia là tự động tin. Thời buổi dịch bệnh nhiều người tin mạng xã hội hơn tin bác sĩ”, chị Trang nói.

Về việc dùng thuốc điều trị covid-19, cách đây không lâu, bác sỹ Ngô Đức Hùng, BV Bạch Mai đã chia sẻ, theo anh, không nên lạm dụng thuốc. “Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn về việc dùng thuốc gì để điều trị covid-19. Hầu hết mọi người đều bày tỏ nỗi lo lắng và đi tìm các phương thuốc trị bệnh trôi nổi đâu đó. Covid là bệnh do virus, nghĩa là giống như những con khác nó sẽ tự hết. Các biện pháp điều trị hiện giờ chỉ có 1 mục đích duy nhất là ngăn ngừa biến chứng nặng xảy ra bằng cách điều trị tốt bệnh nền và giảm bớt triệu chứng. Vậy nên, nếu không có triệu chứng gì, hoặc có triệu chứng nhẹ, thì không cần uống thuốc”, anh viết.

Theo anh, một số người có triệu chứng rầm rộ trong 3-5 ngày đầu rồi giảm dần. Nhóm này hầu hết sẽ khỏi. Một số triệu chứng kéo dài hơn từ 7-10 ngày, nhóm này có 1 số chuyển sang viêm phổi. Hay gặp nhất ở nhóm có bệnh nền. Tuy nhiên, thuốc phải uống đúng, nếu dùng bừa bãi sẽ lợi bất cập hại, hiệu quả không thấy đâu mà đã hứng đầy tác dụng phụ. Điển hình là việc lạm dụng corticoid đã gây ra hệ lụy rất lớn, đôi khi làn tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân covid nếu không dùng đúng.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn, đừng thần thánh hóa các loại thuốc hay các biện pháp điều trị. Bác sĩ Phúc cho biết, trong nhiều trường hợp khi có người nhà dương tính, nhiều người thường cho người nhà uống các thực phẩm chức năng hòng mong nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên theo bác sĩ Phúc, anh trích dẫn ý kiến của một tiến sĩ đông y từ Trung Quốc về: “Tiến sĩ ấy có nói rằng bây giờ nhà nhà làm thuốc chữa Covid, người người làm thuốc chữa Covid, ngay trong thuốc bổ cũng có ba phần độc, cho nên không phải cứ thuốc có nguồn gốc tự nhiên thì không độc, thậm chí thuốc từ cây cỏ mà độc thì nguy hiểm hơn so với tây y vì không rõ trong đó có những thành phần gì. Vị tiến sĩ ấy nhấn mạnh, một thầy thuốc đông y đúng nghĩa, không bao giờ dám kê bừa bãi một vị thuốc, mà phải suy xét, chẩn đoán kĩ càng, nâng lên đặt xuống mới dám kê; nhưng người dân thì bất kể, cứ là cây con thì sẽ cho vào miệng, bất chấp thảm hoạ”.
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động