Hàng nghìn mâu thuẫn, tranh chấp đã được hòa giải thành công
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông tác hòa giải đã đi vào nề nếp, bài bản!
Hội nghị cũng là ngày hội của Hòa giải viên, dịp tôn vinh những nỗ lực cống hiến vì một cộng đồng dân cư đoàn kết, tương thân tương ái. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Ban Nội chính, Ban Dân vận Thành ủy và 90 hòa giải viên tiêu biểu của TP đã về dự Hội nghị.
Báo cáo kết quả 5 năm triển khai thi hành Luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành của Thành phố hàng năm đều tăng, tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%, đặc biệt năm 2018 tỷ lệ hòa giải tăng cao: 86,3%.
Số vụ việc phát sinh hòa giải giảm (năm 2018: phát sinh: 6.642 vụ giảm hơn 3.000 vụ so với năm 2014, 2015, giảm hơn 1.500 vụ so với năm 2017). Thành ủy, UBND Thành phố, chính quyền cấp cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã ngày càng quan tâm hơn công tác hòa giải, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được ổn định.
Công tác hòa giải đã đi vào nề nếp, bài bản, quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, các tổ chức thành viên của Mặt trận và Nhân dân. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Việc xây dựng mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" tại các xã phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả tích cực (chiếm 46% tổng số tổ hòa giải hiện nay trên địa bàn Thành phố), gắn kết người dân với chính quyền trong việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở.
Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Họ được ví như những người bắc nối nhịp cầu giữa Nhà nước và người dân bởi họ hòa giải thành công vụ việc thì giúp cho tình hình an ninh trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP cho đại diện 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở. Đại diện Báo Pháp luật & Xã hội thứ 2 từ phải sang |
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các ý kiến đại diện cho cơ sở cũng khẳng định vai trò quan trọng của công tác Hòa giải ở cơ sở.
“Hoà giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm mà còn củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương”, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên Bùi Quang Cự khẳng định.
Nhấn mạnh hiệu quả tích cực từ việc thực hiện mô hình tổ hòa giải 5 tốt, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh Bùi Quang Cự cho biết, với việc triển khai mô hình này, hoạt động của các tổ hòa giải được thực chất hơn bởi nó gắn các tiêu chí cụ thể, gắn giữa người dân và chính quyền trong công tác hòa giải, phù hợp với Luật Hòa giải ở cơ sở để làm thước đo đánh giá chất lượng công tác hòa giải.
Tại phường Thượng Thanh, UBND phường đã tổ chức cho các tổ hòa giải đăng ký thực hiện theo tiêu chí tổ hoà giải “5 tốt ” ngay từ đầu các năm, mở sổ sách theo dõi việc thực hiện, hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ các vụ việc hòa giải, việc lưu trữ hồ sơ, định kỳ đánh giá hoạt động. Cuối năm, căn cứ vào các tiêu chí và đăng ký của các tổ hòa giải tiến hành bình xét các tổ hòa giải đạt “5 tốt” để khen thưởng (qua bình xét các năm trung bình khoảng 90 đến 95% các tổ đăng ký đạt tổ hòa giải “5 tốt”).
Chia sẻ những kinh nghiệm từ quá trình hoạt động hòa giải ở địa phương, hòa giải viên Nguyễn Văn Hồng, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết: công tác công tác hòa giải ở cơ sở phải luôn gắn liền với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở cần chú ý đến việc vận dụng hài hòa giữa phong tục, tập quán và chuẩn mực đạo đức, truyền thống phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Việc hòa giải các muân thuẫn, tranh chấp phải được phát hiện kịp thời, hòa giải viên phải tích cực, chủ động tìm hiểu nguyên nhân, khéo léo xử lý các tình huống, hòa giải phải bảo đảm quyền lợi của các bên tranh chấp, mâu thuẫn, không để vụ việc nhỏ thành vụ việc lớn hoặc điểm nóng.
Đại diện cho hơn 90 hòa giải viên tiêu biểu về dự Hội nghị, Hòa giải viên Nguyễn Văn Hồng bày tỏ mong muốn Thành phố tổ chức nhiều các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đặc biệt là cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” để hòa giải có cơ hội nâng cao kiến thức pháp luật, có môi trường giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên Nguyễn Văn Hồng cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước có hình thức vinh danh đối với những người công tác hòa giải lâu năm, hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp dưới hình thức “Kỷ niệm chương”.
Bày tỏ ấn tượng với những đề xuất thiết thực từ phía cơ sở, đặc biệt là đề xuất của Hòa giải viên Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết đây là những đề xuất rất thiết thực của một hòa giải viên cao tuổi và tâm huyết với công tác hòa giải cơ sở.
Báo Pháp luật & Xã hộ nhận Bằng khen của UBND TP!
Nhấn mạnh vai trò vị trí đặc biệt của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, ổn định chính trị luôn là điểm sáng của Thành phố Hà Nội. Sự ổn định đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của các ban ngành, đoàn thể và toàn thể Nhân dân trên địa bàn Thành phố, trong đó có sự đóng góp tâm huyết, của đội ngũ Hòa giải viên. Nhiều năm qua, các hòa giải viên của Thành phố đã rất tâm huyết, trách nhiệm, khéo léo kiên trì thuyết phục, vận đông người dân, hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn, cống hiến vì một Thủ đô bình yên văn minh, hiện đại, thanh lịch
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho biết: "Thành phố đã có nhiều quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở nhưng sự quan tâm đó vẫn chưa đủ. Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở để phát hiện bất cập hạn chế về mặt pháp luật chính sách để kiến nghị sửa đổi cho kịp thời"
"Đối với những việc chưa làm tốt thì cần tập trung lực lượng để làm tốt. Chúng ta thấy là hiệu quả của hoạt động hòa giải cơ sở đã được khẳng định, kết quả hòa giải thành hàng năm luôn đạt tỷ lệ cao từ 80-90%, tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn hình thức. Qua tổng hợp của Thành phố cho thấy còn có những vụ việc khiếu nại kéo dài do chưa giải quyết tốt từ cấp cơ sở”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nói thêm.
Hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho 20 tập thể và 45 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP, trong đó có tập thể Báo Pháp luật & Xã hội vinh dự đã được nhận Bằng khen của UBND Thành phố. Ngay khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, hàng năm UBND TP hỗ trợ kinh phí phát hành Báo Pháp luật & Xã hội miễn phí cho các tổ hòa giải tại xã, thị trấn của 15 huyện ngoại thành. Từ năm 2014 đến năm 2018, Báo đã thực hiện viết đăng tải 631 tin bài về công tác hòa giải ở cơ sở, câu chuyện hòa giải, tấm gương hòa giải |
.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại