Hai kẻ đánh chết người vì nghi trộm chó đối diện mức án nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân phát hiện nam thanh niên tử vong bên xe máy cùng xác một con chó |
Khởi tố 2 kẻ đánh chết người vì nghi trộm chó
Mới đây, CQCSĐT CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Hải (46 tuổi) và Ngô Văn Cường (50 tuổi, cùng ở quận Nam Từ Liêm) về tội “Giết người”.
Quá trình điều tra, CQCA xác định, khoảng 1g ngày 30-12-2021, Phạm Văn Hải nghi có đối tượng mặc áo Grab, điều khiển xe máy có hành vi bắt trộm chó của nhà Ngô Văn Cường nên đã gọi điện thoại báo cho Cường biết.
Khi Cường kiểm tra, phát hiện đã mất 1 con chó, còn lại 1 con bị tử vong nằm trên đường thuộc lối đi chung. Cả hai sau đó bàn bạc để phục đánh nếu đối tượng đến lấy con chó còn lại. Khoảng 1g30 sáng cùng ngày, khi Cường và Hải đang mai phục ở nhà Cường thì có 1 đối tượng nam giới mặc áo Grab đo xe máy vào lối đi chung, lấy con chó đã tử vong ra.
Lúc này, Hải đưa cho Cường một gậy gỗ dài khoảng 70cm, còn Hải cầm đèn pin ở bên ngoài lối đi chung kéo cổng không cho đối tượng nghi trộm chó chạy ra ngoài. Khi đối tượng ra đến cổng, Cường dùng chân đá, dùng gậy đập vào đầu làm đối tượng tử vong tại chỗ.
Tại CQCA, các nghi phạm đã thừa nhận hành vi như kết quả điều tra ban đầu. Hiện CA quận Nam Từ Liêm đang xác minh danh tính nạn nhân và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc theo quy định pháp luật.
Có thể bị quy vào tội “Giết người”
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trong vụ án này, những người đánh nghi phạm trộm chó dẫn đến nạn nhân tử vong. Căn cứ Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào giết người mà có tổ chức, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tùy vào mức độ hành vi của mỗi người.
“Trong vụ án này, hành vi của anh Cường và anh Hải là bất chấp pháp luật để tự mình tùy ý “xử lý” các nghi phạm có hành vị trộm vật nuôi của mình. Thêm vào đó, vụ việc có yếu tố đồng phạm do có sự tổ chức, bàn bạc, thống nhất, đây sẽ là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 52 BLHS 2015. Khi đó, anh Hải và anh Cường có thể chịu mức khung hình phạt cao nhất cho hành vi của mình gây ra”, luật sư Nguyên nói.
Qua vụ án trên, luật sư Đinh Thị Nguyên khuyến cáo, khi phát hiện đối tượng trộm cắp tài sản, người dân nên giữ khoảng cách, hô hoán để mọi người xunh quanh hỗ trợ khiến đối tượng trộm cắp tài sản sợ hãi bỏ đi. Nếu có thể bắt giữ được đối tượng thì sẽ tìm cách bắt giữ nhưng vấn đề an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh phải được đặt lên hàng đầu.
Trong trường hợp kẻ phạm tội có hành động phản kháng nguy hiểm thì chúng ta cần thực hiện phòng vệ chính đáng nhưng cần phải thực hiện đúng “phòng vệ chính đáng”, nếu không sẽ gây ra gây thương tích nặng nề cho tội phạm hoặc gây chết người.
Luật sư Nguyên viện dẫn Điều 22 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
“Tuy nhiên, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS. Pháp luật quy định rất rõ các trường hợp được phòng vệ, tự vệ, bắt người phạm tội quả tang. Nếu không có khả năng bắt giữ tội phạm, chúng ta nên ghi nhớ hình dáng đối tượng để thông báo cho cơ quan chức năng”, luật sư Nguyên chia sẻ.
Luật sư Nguyên cũng kiến nghị, muốn ngăn chặn nạn trộm chó trước hết là phải có quy định xử phạt hành vi này thật nặng. Xử phạt nhẹ như hiện nay không đủ sức răn đe. Phải đặt trường hợp trộm chó khác với trộm cắp tài sản bình thường để có quy định xử phạt phù hợp.
“Xã hội tiến bộ, tạo ra công ăn việc làm, ai cũng có thể tiếp cận công việc và có thu nhập đủ sống. Đó là cái gốc của ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có trộm chó. Cuối cùng, người nuôi chó phải biết cách giữ chó cẩn thận. Thả chó để bị trộm thì dễ dẫn đến những vụ án mạng, cho dù có thỏa cơn tức giận, thì trong lòng cũng nặng nề. Đánh chết một con người sao có thể an ổn được lương tâm”, luật sư Nguyên cho biết.
Điều 17 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm; Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại