Hành trình vượt qua sóng gió cuộc đời của NSƯT Thùy Liên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKỷ niệm khó phai trong nghề diễn
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm công nhân cơ khí trong khu tập thể bình thường ở Hà Nội, nhưng tính nghệ sĩ đã ngấm vào trong máu chị từ lúc nào. Học vỏn vẹn được 2 câu vọng cổ từ chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thế nhưng chị vẫn tự tin thi vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh, khoa cải lương. Có lẽ, nhờ sự may mắn và duyên số theo nghề, chị đỗ vào trường năm đó trước sự bất ngờ của cả gia đình. Nhận giấy báo trúng tuyển, mẹ chị không muốn con gái theo học cái nghề mà theo bà là “xướng ca vô loài”. Còn bố chỉ động viên: “Con có làm được không?”. Chị một mực quyết tâm: “Con sẽ không từ bỏ”.
Đi học xa nhà, chị thường ở kí túc xá, mỗi tuần có dịp nghỉ mới về thăm gia đình. Sau khi học xong, may mắn là khóa học năm đó, Nhà hát Cải lương Trung ương xin lớp của chị về đào tạo và giữ lại hầu hết diễn viên ở Nhà hát làm việc, Thùy Liên nằm trong số đó.
Từ khi “đóng quân” về Nhà hát, sự nghiệp ca hát của chị gặp nhiều may mắn, mà như theo các cụ đi trước thường nói “tổ nghề cho lộc”. Lúc mới vào, trở thành đào – một vai diễn một chiều mang nét liễu yếu đào tơ. Sau đó, chị đảm nhận đủ loại vai hiền, ác, tốt, xấu. Vai nào chị cũng hoàn thành tốt. Thế nhưng, khi sự nghiệp ca hát vững vàng, gặp nhiều may mắn thì chị nhận ra mình phải diễn một vai phản diện mới hợp. Thế là chị thử. Năm 2005, tức là 6 năm trưởng thành từ Nhà hát Cải lương, chị nhận được huy chương vàng đầu tiên với vở “Những khoảnh khắc đời người”, vai diễn bà Ánh Chiều – 40 tuổi, khi chị mới 25 tuổi. Vui mừng với thành công, chị nghĩ đến người mẹ dù bà bây giờ không được nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc của cô con gái. Nhưng chị tin, dù cuộc đời có thế nào, mẹ chị sẽ luôn ủng hộ trong suốt cuộc đời chị.
Nhớ lại vai diễn hơi “quá sức” với tuổi nghề, Thùy Liên chia sẻ: Khi được nhà hát giao cho vai diễn bà Ánh Chiều, chị thực sự bỡ ngỡ, bởi trong một khoảnh khắc nào đó, đứng trước dàn sao lớn như nghệ sĩ Ngọc Chi, Thanh Thanh Hiền, Minh Thành, chị thấy mình còn là cô bé ngô nghê. Mặc dù không phải là nghệ sĩ sở hữu chất giọng cải lương hay, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng biến khuyết điểm thành ưu điểm, chị đã làm được những điều không tưởng.
Thế là, cầm kịch bản trên tay, học cả đêm, vần vò với câu chữ để ngấm dần từng ca từ, đặc biệt hơn, chị đã thẳng thắn trao đổi với thầy dạy rằng giọng chị yếu, không hát cao được. Thế là, thầy giáo phải dạy chị bằng “giáo án” đặc biệt. Thầy giáo không đòi hỏi chị hát quá cao, nhưng chủ yếu hát phải rõ lời và diễn làm sao cho đúng nội tâm nhân vật. Nhưng có bạn diễn là Thanh Thanh Hiền, sở hữu giọng hát cao vút, lay động lòng người khiến chị cảm thấy hoang mang. Cuối cùng, nhờ anh Ngọc Chi dạy, uốn nắn từng chữ một, đọc và xem các đoàn khác diễn đã cho chị nhiều chiêm nghiệm. Và khi bước lên sân khấu, chị diễn như chính chị trong cuộc sống. Và tấm huy chương vàng là “quả ngọt” đầu đời để chị vững vàng hơn trong nghiệp ca hát.
10 năm sau, Thùy Liên giành tấm huy chương vàng thứ hai trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TP HCM với vai diễn bà Xà No trong vở “Cội xưa”. Vai bà Xà No, một Việt kiều Mỹ luôn mang tâm trạng đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, sẵn sàng từ bỏ tất cả để trở về Tổ quốc yêu thương. Trái ngược với tâm lý lo lắng, sợ hãi sau 10 năm mới “mang chuông đi đánh xứ người”, Thùy Liên lại tỏ ra thoải mái. Đến nỗi diễn viên Hồng Hạnh – vào vai con gái bà Xà No trong vở “Cội xưa” phải thốt lên: “Sao đến giờ phút này mẹ vẫn ngủ ngon như thế?”.
Trên sân khấu hồi đó, lúc đầu Thùy Liên đã “vấp lỗi” ngay câu nói đầu tiên. Trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” trên sân khấu, chị vụt sáng ý nghĩ phải diễn bình tĩnh, nói chậm lại, bởi nếu không thì Ban giám khảo và khán giả sẽ đánh giá là mình “run” trên sân khấu không phải “chủ nhà”. Lấy lại thăng bằng trong vai diễn, chị diễn “tròn vai” đến khi vở diễn kết thúc, những tràng vỗ tay rần rần của khán giả, chị mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã diễn xong từ lúc nào. Nhờ có tấm huy chương vàng trong hội diễn năm đó, chị được xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) vào năm sau.
NSƯT Thùy Liên. Ảnh. M.Miên
Hạnh phúc mới sau “sóng gió” hôn nhân
Công việc làm diễn viên sân khấu Nhà hát cùng với lịch tập khá dày, phải đi công tác xa ngày đã “tốn” của chị khá nhiều thời gian dành cho gia đình. Mẹ chị vẫn thường lo lắng cho cái nghề lắm chông gai, nhọc nhằn và cuộc sống mai sau không ổn định. Tuy nhiên, tuổi trẻ và lòng đam mê nghề diễn khiến chị quên hết mọi thứ. Đến khi cuộc sống hôn nhân là mối tình đầu mới ra trường gặp sóng gió, cũng là lúc chị “thức tỉnh” với những câu khuyên răn của mẹ.
Người chồng đầu tiên của Thùy Liên là chàng trai ít nói nhưng lại “đốn tim” cô gái duyên dáng Thùy Liên. Mặc dù gia đình nhà chồng là người Hà Nội, bố mẹ chị có hẳn tiệm rượu Tây trên phố nhưng hai vợ chồng chị đã có ý chí sống tự lập ngay khi mới lấy nhau. Gần 20 năm lấy chồng, sinh con, chị ra dáng một người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Chuyện nhà cửa vất vả, khó khăn chị đều cố gắng thu vén, không bao giờ than vãn nửa lời. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, vợ chồng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, rạn nứt, bất đồng quan điểm… cuối cùng, mỗi người quyết định con đường riêng của mình.
Ở ngoài tuổi tứ tuần, Thùy Liên vẫn đẹp lóng lánh như hình mẫu nhân vật trên sân khấu chính kịch. Khuôn mặt luôn rạng ngời nụ cười, có thể thấy cuộc sống gia đình hiện tại của chị khá hạnh phúc. Chị chỉ cười hiền: “Cuộc sống của chị tuy bận rộn song lại tràn ngập niềm vui, tiếng cười khi bên chị đã có thêm tình yêu bé nhỏ là cậu con trai kháu khỉnh, cha của đứa bé – một người đàn ông cùng chị chia sẻ mọi lo lắng, buồn phiền, dù anh không giàu, không quá đẹp trai nhưng anh luôn yêu thương và vun đắp cho 2 đứa con chung, riêng của hai người”.
Chị bảo, trải qua nhiều thăng trầm, chị đón nhận hạnh phúc với “lần đò” của mình. Những hôm chị bận diễn, anh luôn là người hỗ trợ đắc lực sau cánh gà sân khấu, bằng bữa cơm tối ngọt ngào, hình ảnh đi làm về sớm đón con và chăm sóc gia đình thay vợ làm chị luôn cảm kích về anh. Cô con gái đầu SN 1991 hiện tại đang vừa học tiếp ngành kế toán, vừa làm hành chính trong Nhà hát Cải lương Việt Nam. Mong muốn của chị là được truyền nghề cho con gái và khi nhìn con gái trên sân khấu, lòng chị cảm thấy ấm áp lạ thường. Có thể, với nhiều người, hạnh phúc của chị không trọn vẹn và cũng thật mỏng manh, bấp bênh nhưng phải người phụ nữ gặp nhiều điều không may mắn như Thùy Liên thì chị chấp nhận thiệt thòi để can đảm đón nhận hạnh phúc hiện tại.
Gắn bó với Nhà hát Cải lương Trung ương bao nhiêu năm là bấy nhiêu vai diễn trên sân khấu mà bản thân chị không đo đếm nổi. Có những lúc, sự nghiệp của chị bị ảnh hưởng bởi những lời đàm tiếu, những đố kị, thậm chí tưởng chừng như gục ngã không thể đứng nổi nhưng vì lòng đam mê với nghiệp ca hát, chị vẫn vững vàng vượt qua tất cả.
Nghệ sĩ cải lương “đá ngang” trên phim truyền hình Khán giả gặp Thùy Liên trong nhiều vai diễn trên phim truyền hình như “Mùa lá rụng” , “Hương đất” của đạo diễn Quốc Trọng, “Mùa tinh khôi” của đạo diễn Phạm Hồng Phúc và gần đây vai bà Sinh trong “Bão qua làng”… Còn với chị, vai diễn đầu tiên của chị trên truyền hình là vai bà Xuyến – vợ của diễn viên Đỗ Kỷ trong “Mùa lá rụng” là kỷ niệm khó quên. Vai diễn đầu tiên chị vào vai rất ngọt vì hợp vai, một người phụ nữ quê mùa, tóc dài nhưng vì là dân cải lương, quen “lóng lánh, uốn éo” cường điệu nên khi đoạn diễn có cảnh tát thì chị lại giống như múa khiến cho cả đoàn phim cười nghiêng ngả. |
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại