Chủ nhật 30/06/2024 10:41

Hà Nội: ứng dụng mô hình BIM trong lĩnh vực xây dựng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, hiện nay, TP Hà Nội đã chấp thuận áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đối với 8 dự án, trong đó có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới…
Bệnh viện như Đa khoa Đống Đa – 1 trong 8 dự án được TP Hà Nội chấp thuận áp dụng mô hình BIM trong quản lý xây dựng khi xây mới, nâng cấp. Ảnh: MP
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – 1 trong 8 dự án được TP Hà Nội chấp thuận áp dụng mô hình BIM trong quản lý xây dựng khi xây mới, nâng cấp. Ảnh: MP

Mô hình BIM sử dụng các công nghệ để số hóa thông tin của công trình, thể hiện qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành. Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai thực hiện, lộ trình áp dụng trong hoạt động xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17-3-2023 với những yêu cầu đặt ra là bắt buộc.

Theo đó, từ năm 2023, với các công trình cấp I, cấp đặc biệt và từ năm 2025, với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án bắt buộc áp dụng BIM.

Tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin này cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu.

Trên thực tế, với ngành xây dựng, quy trình "BIM - Building Information Modeling" không phải là quá xa bởi đây là một quy trình tiên tiến được ứng dụng nhiều trong ngành. Mô hình BIM này cao cấp hơn nhiều so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin cần thiết.

Theo lộ trình áp dụng mô hình BIM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đang bước vào giai đoạn đầu tiên với trọng tâm là đào tạo, tập huấn nhằm tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư. Qua đó giúp các bên liên quan chủ động ứng dụng BIM vào quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội, TP Hà Nội đã chấp thuận áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đối với 8 dự án, trong đó có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các bệnh viện như Đa khoa Đống Đa, Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Thận cơ sở 2; nâng cấp Trung tâm Pháp y Hà Nội; xây dựng Cung Văn hóa thể thao thanh niên, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long.

Ngoài ra, theo kế hoạch được UBND TP Hà Nội ban hành tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND (ngày 17-4-2024), giai đoạn 2024-2025, Hà Nội thực hiện đào tạo nâng cao khả năng áp dụng mô hình thông tin công trình cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng.

Theo ông Đỗ Chí Hưng, dự kiến trong Quý III/2024, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tổ chức 2 lớp đào tạo các kiến thức cơ bản về mô hình thông tin công trình giúp các cán bộ ngành Xây dựng nhận biết những thuật ngữ cơ bản, phương pháp xem, các nội dung cần xem, lưu giữ các tệp dữ liệu BIM...

Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng. Trong đó, bổ sung các chi phí áp dụng BIM khi lâp các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật… với chi phí không vượt quá 15 – 20% chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình.
Đề xuất giao Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng tại bãi sông
Tạo hành lang pháp lý mới để xây dựng Thủ đô
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động