Thứ ba 23/04/2024 18:47

Hà Nội - Trường Sa chung nhịp đập

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa, từ ngày 15 đến 27/4, Đoàn công tác số 4 do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn cùng Đoàn công tác thành phố Hà Nội và 11 đoàn công tác các địa phương, đơn vị trong cả nước đã hoàn thành tốt đẹp chuyến thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng đoàn công tác thăm đảo Trường Sa lớn.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng đoàn công tác thăm đảo Trường Sa lớn.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn dẫn đầu Đoàn công tác thành phố Hà Nội. Đây là năm thứ 12, Hà Nội tổ chức các đoàn công tác thăm và làm việc tại nơi tuyến đầu sóng gió, bởi với Trường Sa thân yêu, mỗi trái tim người dân Thủ đô luôn chung nhịp đập.

Hết lòng với đảo xa

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về chiến lược biển, đảo, chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân Thủ đô, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn công tác, đưa những người con Thủ đô đến với Trường Sa thân yêu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn và đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ là những người con của Hà Nội đang công tác tại quần đảo Trường Sa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn và đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ là những người con của Hà Nội đang công tác tại quần đảo Trường Sa.

Trong hải trình lần này, vượt qua gần 1.100 hải lý, con tàu KN-491 đã đưa đoàn công tác đến 9 đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần, mang theo tình cảm và những món quà ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành tặng những người con anh dũng nơi vùng biển đảo thiêng liêng.

Nhân dịp này, đã khánh thành công trình Nhà Văn hóa đa năng tại đảo Núi Le B do Thủ đô trao tặng. Công trình góp phần làm thay đổi diện mạo của đảo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, quyết tâm xây dựng đảo Núi Le B vững chắc, kiên cố, đẹp cảnh quan, đồng thời là nơi tiếp tế, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khu vực quần đảo Trường Sa.

Công trình bao gồm các công trình phụ trợ như cầu nối giữa các nhà, hệ thống pin năng lượng mặt trời, bể dự trữ nước ngọt, vườn rau...

Cũng nhân dịp này, đoàn công tác đã gửi tặng nhiều món quà thiết thực phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho quân và dân các đảo, gồm quạt tích điện, loa thùng di động, màn hình trình chiếu…

Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập của quân và dân trên các đảo; trong chuyến công tác này, Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện công trình Nhà Văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C - công trình thứ 10 mà Thủ đô dành tặng cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.

Ghi nhận và trân trọng những tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội dành cho Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng cho biết, Hà Nội đã đóng góp, hỗ trợ nhiều dự án, công trình ý nghĩa. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng 9 công trình cùng nhiều trang thiết bị trị giá khoảng 450 tỷ đồng. Những hỗ trợ này không chỉ mang giá trị vật chất to lớn mà còn là những hành động thiết thực thể hiện tình cảm, niềm tin của Hà Nội với Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Trong chuyến đi này, các đơn vị của Thủ đô Hà Nội cũng đã mang tới Trường Sa những món quà vô cùng ý nghĩa. Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đã trao tặng quân, dân các đảo 10 tủ cấp đông, 10 chiếc tivi và 10 bộ giàn karaoke. Các quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Oai, Hoài Đức cũng mang ra Trường Sa những đặc sản của quê hương như chè sen, kẹo lạc, ô mai, bánh chưng…

Đặc biệt, trước chuyến công tác Trường Sa, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” đến cô và trò các trường tiểu học tại Hà Nội. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Lý Duy Xuân cho biết: “Rất nhiều bức thư, bưu thiếp, tranh vẽ, bài thơ… đầy ắp tình cảm thương mến, tin yêu, tự hào của các bạn nhỏ Thủ đô được gửi đến cán bộ, chiến sĩ và thầy trò nơi đảo xa. Chúng tôi đã chọn được hơn 200 tác phẩm đẹp, ý nghĩa trao tặng đến các đảo, điểm đảo, và nơi nào cũng đón nhận với tình cảm vô cùng xúc động”.

Đây cũng là năm thứ 12 Bộ Tư lệnh Thủ đô tham mưu cho thành phố tổ chức đoàn công tác thăm Trường Sa. Ngoài việc kết nối với Quân chủng Hải quân lên danh sách quà tặng, nội dung thăm cán bộ, chiến sĩ, các cán bộ tham gia chuyến công tác đã cùng các lực lượng sắp xếp, quản lý, vận chuyển hàng hóa, quà tặng, nhu yếu phẩm an toàn đến các đảo, điểm đảo.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu cho thành phố làm tốt hơn nữa công tác hậu phương quân đội, trong đó có việc thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình trên địa bàn Hà Nội có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần.
Đoàn công tác thành phố Hà Nội thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần.

Những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã góp phần nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên các đảo. Đồng thời, những công trình vững chắc giữa biển khơi cũng chính là chỗ dựa tin cậy để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển - trở thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những món quà hết sức ý nghĩa, thiết thực là tấm lòng, tình cảm của Hà Nội cũng như các địa phương, đơn vị trong cả nước luôn hướng về biển đảo của Tổ quốc; để cùng chung sức, chung lòng chia sẻ những khó khăn, vất vả với quân và dân huyện đảo Trường Sa trong thực hiện nhiệm vụ vẻ vang bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Thời gian tới, công việc này sẽ ngày càng được thực hiện, triển khai trách nhiệm, hiệu quả hơn nữa…

Trái tim Hà Nội luôn cùng nhịp đập với Trường Sa thân yêu!

Vượt qua ngàn trùng sóng gió Biển Đông, Đoàn công tác số 4 đã đến thăm quân và dân ở 9 đảo, điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn, Đá Lớn, Núi Le B, Tốc Tan, An Bang, Đá Đông C, Trường Sa và Nhà giàn DK1/17 Phúc Tần. Tại những cột mốc chủ quyền hiên ngang giữa biển khơi, mọi cuộc hội ngộ giữa muôn trùng sóng nước đều như vỡ oà cảm xúc của những người thân lâu ngày được gặp lại.

Tại đảo Song Tử Tây - điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đã thăm hỏi, tặng quà và động viên các chiến sĩ người Hà Nội, quê ở: Thạch Thất, Hoàng Mai, Sơn Tây, Ứng Hòa, Chương Mỹ.

Đồng chí Lê Hồng Sơn gửi gắm niềm tin yêu của mỗi người dân Thủ đô và tin tưởng các chiến sĩ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang nơi đầu sóng ngọn gió. Những câu chuyện gần gũi, thân thiết như những người mẹ, người cha, người anh, người chị ân cần thăm hỏi, động viên con em mình rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, xứng đáng với niềm tin yêu, tự hào mà của mỗi người dân Thủ đô gửi gắm.

Trung úy Nguyễn Văn Khôi - Trợ lý hậu cần ở đảo Sinh Tồn vui mừng khi đón các cô, chú, anh chị, em từ Thủ đô. Khôi quê ở Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội, mới gắn bó với đảo Sinh Tồn được 3 tháng nhưng đã có thâm niên 2 năm công tác ở Lữ đoàn 147 ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Hậu cần.

Nhiều món quà ý nghĩa là tình cảm ấm áp mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.
Nhiều món quà ý nghĩa là tình cảm ấm áp mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô gửi tặng cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa.

Vì vậy, môi trường quân ngũ với Khôi từ lâu đã trở nên thân thuộc. Khôi chia sẻ: “Anh em ở đảo sớm tối có nhau, thân thiết như anh em ruột thịt. Mỗi người một quê nhưng luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường em đã ước mơ được trải nghiệm cuộc sống ngoài hải đảo. Và ước mơ nay đã thành hiện thực, em vô cùng tự hào…”.

Với Đại úy Lê Duy Hồng, lính thông tin trên đảo An Bang, cuộc hội ngộ từ Thủ đô với những câu chuyện thân tình về quê nhà, về gia đình giúp anh vơi bớt nỗi nhớ hai đứa con bé bỏng, cháu lớn mới 4 tuổi, cháu bé vừa tròn 1 tuổi.

Đại úy Hồng sinh năm 1984, nhà ở Phú Lương, quận Hà Đông, thâm niên 9 năm ở Trường Sa thì có 8 đảo lớn nhỏ của quần đảo thiêng liêng này đã in dấu chân anh. Chuyến công tác ra đảo đầu tiên của anh là đảo Thuyền Chài, khi vợ mới mang bầu và lần nghỉ phép đầu tiên về thăm nhà là sau 15 tháng, khi con gái anh đã 7 tháng tuổi.

“Làm chiến sĩ thông tin là bảo đảm “mạch máu ngầm” luôn được nhanh chóng, kịp thời, an toàn và bí mật. Dù liên tục vắng nhà nhưng được sự quan tâm, động viên của gia đình, làng xóm, các cơ quan đoàn thể, tôi luôn yên tâm công tác, cống hiến khi sau lưng mình đã có hậu phương vững chắc…”, Đại úy Lê Duy Hồng chia sẻ.

Ở đảo An Bang này, Thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Phú Kim, huyện Thạch Thất cũng là người có thâm niên lính đảo. Chỉ 3 tháng nữa là hết niên hạn ở An Bang, Tuấn hiểu hòn đảo này như một người bạn.

Tuấn khẳng định: “An Bang là hòn đảo có điều kiện thời tiết khắc nghiệt bậc nhất trong quần đảo Trường Sa, điểm đầu đón sóng, đón gió. Nhưng điều tuyệt vời nhất là anh em sống thành một khối đoàn kết, thương yêu nhau vô hạn. Đảo nhỏ nhưng chính điều kiện khắc nghiệt càng khiến anh em gắn bó hơn, chủ động bảo ban nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao... Nay sắp được về nhà lại nôn nao nhớ đảo, nhớ anh em…”.

Đoàn văn nghệ xung kích của đoàn công tác giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ tại đảo An Bang.
Đoàn văn nghệ xung kích của đoàn công tác giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ tại đảo An Bang.

Dù đảo nhỏ, sóng lớn, điều kiện khắc nghiệt nhưng ít nơi lại có các gốc bàng vuông cổ thụ xòe tán đẹp như ở đảo An Bang. Những cây bàng quanh năm xanh mát, che chở những công trình trên đảo như hình ảnh những người lính đảo hiên ngang, bền gan vững chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, trở thành điểm tựa, niềm tự hào của đất liền.

Tại đảo Đá Nam - một trong những đảo có vị trí quan trọng, nhiều đại biểu vô cùng ấn tượng với vườn rau xanh tốt của các chiến sĩ Tổ Bộ binh. Chắt chiu từng giọt nước mưa để tưới rau, xung quanh bịt kín tôn và ni lông để ngăn gió, ngăn muối, những ngọn mồng tơi vươn cao, những lá rau cải to hơn bàn tay, những đám rau muống, rau má, rau ngót xanh non mơn mởn đã giúp bữa cơm chiến sĩ thêm màu sắc giữa nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến Trường Sa hôm nay, màu xanh đã phủ kín các điểm đảo, nơi nào cũng có vườn rau xanh mát, hệ thống điện gió, điện mặt trời, máy lọc nước biển… Đời sống sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thực sự đã thay đổi rất nhiều với những quan tâm, động viên từ đất liền và sự kiên cường, bất khuất của mỗi người lính đảo.

Thành viên trong đoàn công tác tham gia trò chơi đố vui cùng con em các hộ dân trên đảo Trường Sa.
Thành viên trong đoàn công tác tham gia trò chơi đố vui cùng con em các hộ dân trên đảo Trường Sa.

Kết thúc một chuyến đi nhiều ý nghĩa của Đoàn công tác thành phố Hà Nội cùng lực lượng Hải quân và các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Yên Bái và các đơn vị quân đội cùng đại diện nhiều doanh nghiệp, mỗi thành viên đều có những trải nghiệm của riêng mình về cuộc sống nơi đảo xa, từ đó thêm yêu và ý thức được trách nhiệm của mình đối với mỗi tấc đất, ngọn sóng nơi biển trời thiêng liêng cha ông đã đổ bao công sức, máu xương gìn giữ.

Xin trích phát biểu của đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng đoàn công tác của Hà Nội thăm Trường Sa lần này thay cho lời kết: “Giá trị lớn nhất sau chuyến công tác là sự thấu hiểu, chia sẻ, gắn kết nghĩa tình hơn, trách nhiệm hơn không chỉ giữa Trường Sa với đất liền mà giữa đất liền với nhau cũng thêm phần gắn bó… Và Hà Nội dù ít sóng gió, nhưng mỗi con sóng đập vào Trường Sa đều rung động đến trái tim mỗi người dân Thủ đô. Bởi trái tim Hà Nội luôn cùng nhịp đập với Trường Sa thân yêu”.

Từ năm 2009, cùng với các chuyến tàu mang những món quà thiết thực, ý nghĩa, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng Nhà khách Thủ đô tại thị trấn Trường Sa. Hà Nội cũng đã xây dựng được nhà văn hóa đa năng tại các đảo: Tốc Tan B, Núi Le B, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Len Đao, Đá Thị, Thuyền Chài A, Đá Đông A. Tính đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng xong 9 công trình và một số trang thiết bị với tổng trị giá khoảng 450 tỷ đồng.

Trong hải trình này, Đoàn công tác số 4 cùng với quân, dân trên đảo làm lễ chào cờ, tổ chức dâng hương tại Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở đảo Song Tử Tây; thắp hương tại Đền thờ Bác Hồ (đảo Trường Sa); làm lễ tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh; thăm, tặng quà Lữ đoàn 189, Tàu ngầm 182 - Hà Nội, Lữ đoàn 146, Lữ đoàn 162, tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc với các bộ, chiến sĩ…

Đoàn công tác thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Tàu ngầm 182 - Hà Nội.
Đoàn công tác thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ Tàu ngầm 182 - Hà Nội.

Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã tặng 40 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo” và 154 Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” cho các đại biểu tham gia chuyến công tác.

Tống Thanh - Ngọc Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động