Hà Nội tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động |
Theo đó, toàn thành phố sẽ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 21.239 người thuộc các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đạt 72,2%.
Danh mục nghề đào tạo gồm 20 nghề, trong đó, nhóm nghề phi nông nghiệp 11 nghề, gồm các nghề: Mộc mỹ nghệ; mộc dân dụng; kỹ thuật sơn mài; kỹ thuật khảm trai; sản xuất hàng mây tre, giang đan; hàn điện; điện dân dụng; sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; pha chế đồ uống; may công nghiệp; xây trát dân dụng.
Nhóm nghề nông nghiệp có 9 nghề, gồm: Chăn nuôi thú y; trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; trồng lúa chất lượng cao; trồng cây ăn quả; kỹ thuật chăn nuôi lợn; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; kỹ thuật trồng hoa; trồng đào, quất cảnh.
Về quy mô đào tạo, tối đa 35 học viên/lớp. Phương thức đào tạo nghề dưới 3 tháng được thực hiện đa dạng, linh hoạt: Đào tạo chính quy tại các cơ sở đào tạo nghề; đào tạo lưu động tại các địa phương; đào tạo tại nơi sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề; kết hợp đào tạo lý thuyết tại cơ sở và thực hành nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ…
Việc tổ chức đào tạo nghề cho người lao động chủ yếu dạy thực hành, thời gian đào tạo phù hợp từng nghề, phù hợp nhận thức của người lao động. Thành phố sẽ không tổ chức đào tạo nghề cho lao động khi chưa dự báo được nơi làm việc và xác định được mức thu nhập tăng thêm của người lao động sau khi học nghề.
Thực hiện tốt nội dung trên sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề ngắn hạn với giải quyết việc làm tại từng địa phương. Kịp thời trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động; tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp yêu cầu của thị trường lao động. Nâng cao nhặn thức của xã hội về vai trò của đào tạo nghề trong phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự đồng thuận, vào cuộc của doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời kỳ hội nhập và ứng dụng khoa học công nghệ 4.0.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại