Hà Nội: Tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc tăng cường hoạt động liên kết giúp tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt. |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong năm qua, Sở đã tổ chức 7 phiên chợ Việt, 5 tuần hàng Việt nhằm kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây, thủy sản, sản phẩm OCOP và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; chủ trì phối hợp với 18 quận, huyện giới thiệu khoảng 30 địa điểm để khảo sát, phát triển thành các điểm OCOP. Đến nay, tổ chức vận hành, trên 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn TP…
Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phổ biến 2 chuỗi kết nối: Chương trình Kết nối "Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề truyền thống" và "Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ - nội thất". Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu...
Qua đó, kết nối và tạo ra động lực cho lưu thông và phát triển chuỗi tiêu dùng trong nước; góp phần tạo mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là hành động thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao ý thức, từng bước củng cố lòng tự hào về chất lượng sản phẩm trong nước, thay đổi thói quen "sính ngoại", hình thành thói quen tiêu dùng tốt trong nhân dân.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa hàng hóa về nông thôn là bà con nông dân chưa hiểu hết được giá trị sản phẩm an toàn. Cùng đó, các chủng loại đưa về đây chủ yếu vẫn là các sản phẩm truyền thống nên người dân chưa có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức đưa hàng về nông thôn đi kèm với hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và tư vấn cho bà con nông dân để vấn đề kết nối được tốt hơn.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm 2023, Sở đã và đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình xúc tiến thương mại. Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội. Phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội.
“Chúng tôi cũng tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP. Tiếp tục giới thiệu, kết nối hơn 2.000 sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố và hơn 1.600 sản phẩm OCOP Hà Nội đến các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm… để tiêu thụ, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô” - bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
TP Hà Nội cũng giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm tình hình và tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại được phát triển mạnh như thời gian này, từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước. Tuy nhiên, việc tăng cường hoạt động liên kết để tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại