Hà Nội: Tăng đàn vật nuôi ở “vùng xanh” để đảm bảo nguồn cung
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiữ vững được đà tang trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến thời điểm hiện tại Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng đàn gia súc, gia cầm. Toàn TP có 128.938 con bò thịt, 14.057 con bò sữa, 21.602 con trâu, 7.808 con dê, 233 con ngựa, 1.406.582 con lợn và 18.894.481 con gia cầm.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được các bệnh trên đàn vật nuôi như bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi...
Hà Nội tái đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cung cấp |
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để giám sát dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi. “Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, mặc dù đến thời điểm này, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản được kiểm soát nhưng từ nay đến cuối năm, nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết.
Đáng chú ý, các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ và hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm, trong đó, tổng đàn gia cầm thương phẩm toàn thành phố chiếm tỷ lệ cao (gần 60% tổng đàn). Cùng với đó, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế.
Cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, từ nay đến cuối năm, ngành Thú y Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội sẽ tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh phun tiêu độc, khử trùng môi trường đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật.
“Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc xuất/nhập gia súc, gia cầm trên địa bàn, phát hiện và xử lý nhanh, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa thì hoạt động lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, lúc đó giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu do nguồn cung bị đứt gãy khiến các chi phí sản xuất, lưu thông tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm trên thị trường…
Nhằm chủ động ứng phó, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong chăn nuôi: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn vật nuôi ở các “vùng xanh” để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, TP phấn đấu duy trì đàn bò 164.000 con, đàn lợn 1,8 triệu con, đàn gia cầm khoảng 41 triệu con…
Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương phát triển chăn nuôi ở những vùng trọng điểm, trang trại; thúc đẩy việc tái đàn và hạn chế rủi ro từ tình trạng “dịch chồng dịch”.
Cùng với đó là tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở chăn nuôi, DN lưu thông sản phẩm; đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương để tiêu thụ qua các kênh phân phối như siêu thị, chuỗi thực phẩm, các chợ đầu mối”, ông Nguyễn Huy Đăng thông tin.
“Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm nên từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, người dân tái đàn vật nuôi. Việc này sẽ giúp bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường các tháng cuối năm đặc biệt là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại