Hà Nội tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên sông, vui chơi dưới nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể đảm bảo an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô, kịp thời phòng tránh hiện tượng nguy hiểm có thể xảy ra đối với khách du lịch trên địa bàn Thành phố, Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân kinh doanh du lịch, các điểm đến du lịch có hoạt động du lịch trên sông, hồ, suối, thác, bể bơi, vui chơi dưới nước trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện đúng các quy định của pháp luật và một số nội dung cụ thể như sau:
Ảnh minh hoạ |
Đối với các điểm đến du lịch có hoạt động du lịch trên sông, hồ, suối, thác, bể bơi, vui chơi dưới nước: Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tổ chức các hoạt động tại tất cả các điểm đến du lịch; yêu cầu bố trí biển báo, cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng cho khách du lịch; Xây dựng quy trình hoạt động, phương án cứu hộ đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bố trí lực lượng cứu hộ trực tại những vị trí nguy hiểm; Nghiêm túc chấn chỉnh, kiên quyết dừng hoạt động các điểm đến du lịch không đảm bảo an toàn hoặc để xảy ra vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch thực hiện đúng các quy định về an toàn khi sử dụng dịch vụ tại các điểm đến du lịch; tuân thủ đúng quy định, quy trình của Ban quản lý hoặc đơn vị tổ chức hoạt động du lịch.
Đối với cơ sở lưu trú du lịch có hoạt động bể bơi: Yêu cầu rà soát tiêu chí, quy trình hoạt động theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về điều kiện hoạt động của cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn; Tổ chức kiểm tra điều kiện bơi, đảm bảo an toàn tại các hồ bơi, bãi tắm phục vụ khách du lịch, để có các biện pháp chủ động xử lý kịp thời hữu hiệu đảm bảo an toàn cho du khách.
Đối với cơ sở kinh doanh phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch: Kiểm tra điều kiện về an toàn phương tiện (PCCC, cứu hộ,...), điều kiện trước khi xuất bến, chất lượng dịch vụ để đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi tham gia giao thông phục vụ khách du lịch; Kiểm tra các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ tai nạn, triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn tại các bến, điểm neo đậu phương tiện đường thủy.
Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý, khắc phục nếu xảy ra sự cố, đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thủy như: Thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo đúng quy định, giao người chưa đủ tuổi hoặc quá tuổi theo quy định điều khiển phương tiện; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm hoặc có trang bị nhưng không yêu cầu hành khách sử dụng; sử dụng rượu bia và các chất gây nghiện khác khi điều khiển phương tiện; sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn để chở khách du lịch, chở quá số người được phép chở. Tuyệt đối không sử dụng phương tiện vận chuyển không đảm bảo an toàn khi phục vụ khách du lịch.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần hướng dẫn, giải đáp, đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên hệ với các phòng chuyên môn của Sở Du lịch Hà Nội: Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, điện thoại: 0243.6363535 (đối với hoạt động của các điểm đến du lịch); Phòng Quản lý Cơ sở lưu trú, điện thoại: 0243.7323377 (đối với cơ sở lưu trú du lịch); Phòng Quản lý Lữ hành, điện thoại: 0243.7366060 (đối với hoạt động lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên) và Thanh tra Sở, điện thoại: 0243.7331919 hoặc Tổng đài 1800556896 của VNPT Hà Nội về tư vấn, thông tin, hỗ trợ khách du lịch.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại