Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo dự báo, từ nay đến cuối năm, nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là rất cao do ảnh hưởng của thời tiết. |
Nguy cơ tái phát dịch bệnh rất cao
Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ ngày 2-10, trên địa bàn TP xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại huyện Ba Vì. Tính đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 55 hộ thuộc 15 xã của huyện Ba Vì, khiến 635 con lợn với tổng trọng lượng 24.993kg bị tiêu hủy. Đến nay, bệnh này chưa có dấu hiệu dừng phát sinh trên địa bàn huyện Ba Vì, nguy cơ bệnh tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Đáng nói với quy mô tổng đàn lợn 294.000 con lợn, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư cao - khoảng 65%. Các hộ chăn nuôi chưa bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh... nên việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên địa bàn huyện Ba Vì gặp nhiều khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, để kịp thời khống chế, không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên địa bàn, huyện Ba Vì đã yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng thú y, cán bộ khuyến nông, trưởng thôn rà soát kiểm tra số cơ sở chăn nuôi, số đầu gia súc, gia cầm, thực hiện việc quản lý, theo dõi chặt chẽ biến động đàn gia súc trên địa bàn.
Đồng thời, huyện Ba Vì đã ký cam kết với tất cả trang trại, chủ chăn nuôi lợn thực hiện không giấu dịch, khai báo ngay với cơ quan thú y và chính quyền địa phương khi có lợn ốm để kịp thời xử lý. Yêu cầu các hộ dân không mua bán, vận chuyển động vật bệnh chết, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn chết, không vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường...
Theo ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, trước tình hình trên, huyện Ba Vì đã đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ 3.000 lít (kg) thuốc sát trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các xã đang bị phát sinh dịch bệnh, vùng nguy cơ cao.
Theo kế hoạch vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, cuối tháng 10-2021 sẽ triển khai đợt vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường sau tiêm phòng đại trà đợt 2 năm 2021. Tuy nhiên, hiện nay, do tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nên huyện Ba Vì đã đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội cho phép huyện Ba Vì triển khai sớm kế hoạch tổng vệ sinh môi trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, đến nay, các bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc; Cúm gia cầm; Bệnh viêm da nổi cục, bệnh dịch tả lợn Châu Phi... cơ bản ổn định.
Để giám sát dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch.
Ngoài ra, Công ty Amavet đã hỗ trợ 1.000 liều vắc xin bệnh viêm da nổi cục (Lumpyvac) để tiêm phòng bao vây cho đàn trâu, bò tại ổ dịch huyện Phú Xuyên, số trâu, bò được tiêm là 992 con.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết. Các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ và hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm. Trong đó, tổng đàn gia cầm thương phẩm toàn thành phố chiếm tỷ lệ cao (gần 60% tổng đàn). Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế.
Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch
UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 3447/UBND-KT về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn TP.
Để tập trung phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi không lây lan ra diện rộng, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20-5-2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP. Thực hiện nghiêm Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 10-9-2020 của UBND TP về phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025.
Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo; Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận khai báo chăn nuôi, cập nhật kê khai hoạt động chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 23-11-2019 của Bộ NN&PTNT.
Chỉ đạo, tổ chức và tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn, đặc biệt là vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chỉ đạo các phường, thị trấn thuộc vùng không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 07-7-2020 của HĐND TP về ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP Hà Nội.
Đối với các địa phương có bệnh dịch xảy ra, cần kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo quận, huyện, thị xã làm trưởng đoàn đến trực tiếp với các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các huyện, thị xã hướng dẫn người dân triển khai tiêm phòng vụ thu đông và các tháng cuối năm theo kế hoạch, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại