Hà Nội tăng cường công tác y tế ứng phó mưa lũ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài kiểm tra công tác đảm bảo y tế cho người dân vùng mưa lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ chiều 29/7/2024. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Chương Mỹ |
Theo thống kê đến ngày 29/7, huyện Chương Mỹ còn 12/32 xã, thị trấn bị ngập với gần 2.800 hộ dân bị ảnh hưởng. Tại huyện Quốc Oai, 4/21 xã bị ngập với hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng.
Để ứng phó với tình hình, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cũng đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện có nguy cơ cao trước mùa bão lũ.
Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% cho các xã, thị trấn bị ngập lụt để xử lý nguồn nước và môi trường. Ngoài ra, trung tâm còn phân công cán bộ giám sát 24/24 giờ và thành lập 4 đội cơ động để theo dõi, hỗ trợ các địa phương bị ngập.
Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng đã thống kê số lượng các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập. Đồng thời, có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh.
Đặc biệt, tại xã Nam Phương Tiến có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn, Trạm Y tế đã tổ chức cấp thuốc tại nhà cho người dân bị bệnh mạn tính và các bệnh khác như ngoài da, mắt, tiêu chảy.
Tại huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế đã cấp phát 10kg Cloramin B 25% cho các xã bị ngập và chỉ đạo các trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn xử trí cho người bệnh tại vùng ngập.
TS Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các bệnh viện và trung tâm y tế thành lập các tổ cấp cứu cơ động và đội phòng chống dịch cơ động. Tại huyện Chương Mỹ, 4 tổ cấp cứu cơ động đã được thành lập với đầy đủ thuốc men để phục vụ người dân vùng ngập úng. Đối với các vùng bị nước lũ cô lập hoàn toàn, các tổ cấp cứu sẽ đến tận nhà dân để triển khai công tác cấp cứu khi cần thiết.
CDC Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động để hướng dẫn các trung tâm y tế và phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị Cloramin B 25% để vệ sinh môi trường khi nước rút, nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
TS Nguyễn Đình Hưng lưu ý người dân cần đặc biệt chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết và các bệnh liên quan đến thực phẩm trong mùa mưa lũ. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra tại các khu vực bị ngập úng.
Vết thương nhỏ, không tiêm phòng: điểm chung của những bệnh nhân nguy kịch vì uốn ván | |
Những ai đau đầu kéo dài cần chú ý |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại