Hà Nội: Siết chặt việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội siết chặt việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa |
Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải, Cảnh sát Giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, ban tổ chức lễ hội xuân tăng cường kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội. Cùng với tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về nội dung trên, cần gắn trách nhiệm của cảng vụ (nếu có) nếu xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện thủy không bảo đảm an toàn, chở quá số người hoặc điều kiện thời tiết không bảo đảm khi xuất bến.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa; yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy kiêm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng. Kiểm tra, rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy; yêu cầu ban tổ chức lễ hội: Lập và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa; tổ chức khoa học hoạt động đưa đón khách từ khâu bán vé, sắp xếp hành khách lên phương tiện, không để xảy ra tình trạng các phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen, lấn xô đẩy khi lên, xuống phương tiện; hành khách bắt buộc phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa…
UBND thành phố cũng lưu ý việc kiểm tra, khảo sát luồng; lắp đặt báo hiệu cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; thanh thải vật chướng ngại, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; điều tiết khống chế, bảo đảm ATGT; phương án ứng phó sự cố, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn...
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên, người tham gia giao thông nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường thủy nội địa; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy… Công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát Giao thông tại các cảng, bến và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn thành phố để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại