Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart Hà Đông. Ảnh: Văn Biên |
Kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối chi ngân sách. Cụ thể tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 đạt 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, du lịch, tiêu dùng đang có những bứt phá, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, TP thu hút 1.540,4 triệu USD vốn FDI, trong đó có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt trên 1.111 triệu USD; có 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220,7 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208,1 triệu USD.
Trong 9 tháng năm 2024, có 21.840 DN thành lập mới với số vốn 198.986 tỷ đồng. Luỹ kế, tổng số DN đăng ký đến nay là 397.008 DN. Kim ngạch xuất khẩu quý III đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; còn trong 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,2%). Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm, CPI bình quân quý III năm 2024 tăng 3,97% (cùng kỳ tăng 1,21%); 9 tháng đầu năm tăng 4,88% (cùng kỳ tăng 1,22%).
Vốn đầu tư xã hội quý III đạt 143.928 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm đạt 351.849 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt 5.611 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16%; tổng dư nợ đạt 4.072 nghìn tỷ đồng, tăng 12,59%. Về phục hồi sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3, TP Hà Nội đã tập trung thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ Đông, diện tích gieo trồng cây rau màu 203,3 ha đạt 0,7% so với kế hoạch.
Tổng diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 19.821 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 91.300 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; Sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn TP đạt 1.232 tấn giảm 5,52 % so với cùng kỳ năm 2023.
Du lịch Thủ đô có sự tăng trưởng tốt khi tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 4,581 triệu lượt, tăng 31,3%. Ngày 9/9/2024, Hà Nội đón nhận 03 giải thưởng "Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch TP cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á", "Điểm đến văn hoá hàng đầu Việt Nam" tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31.
TP Hà Nội đẩy mạnh, chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Tiêu biểu là UBND TP Hà Nội phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai mạc chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" với chủ đề "Dấu son Hà Nội".
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi nổi trên địa bàn; các di tích thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến thăm quan. Các đơn vị của TP đã tổ chức 1.700 buổi diễn (đạt 75% kế hoạch giao) thu hút trên 634.830 lượt khán giả (hoàn thành 75,27% kế hoạch giao)…
Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: T. S |
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Ngọc Tú cũng cho biết, TP Hà Nội còn những trở ngại, thách thức như: giá cả tăng cao; DN còn khó khăn; tai nạn giao thông và cháy, nổ phức tạp; ảnh hưởng của bão số 3… vẫn là những khó khăn nội tại ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024.
Trong quý 4 năm 2024, sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025. Triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số. Mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực.
Chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hoá của Hà Nội, nhất là sản phẩm OCOP. Hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP đến năm 2030.
Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi). Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống. Thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung). Ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2025 và điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện Đề án nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn TP Hà nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Kiểm tra tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Dự án cấp nước sạch. Hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.
Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội; xây dựng Bộ chỉ số CCHC áp dụng đối với các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại TP và các đơn vị sự nghiệp công lâp trực thuộc UBND TP. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Hà Nội: thực hiện đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm | |
Hà Nội xem xét các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại kỳ họp HĐND thành phố |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại