Hà Nội: Quản lý tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ Xuân Kỷ Hợi và tổ chức lễ hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo đó, về công tác quản lý và tổ chức lễ hội: Tăng cường tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018 của Chính phủ về việc quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 03-CT/TU, ngày 12-01-2016 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của trung ương.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt các lễ hội lớn: Gò Đống Đa, chùa Hương, đền Hai Bà Trưng, Đền Sóc, đền Cổ Loa, Đền Và, Chùa Trầm, Chùa Trăm Gian, Chùa Thầy, Thăng Long Tứ Trấn, Phủ Tây Hồ và các lễ hội trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố; phân công các thành viên liên ngành chịu trách nhiệm trước thành phố và lĩnh vực quản lý. Căn cứ vào kết quả triển khai thực hiện của các đơn vị, đề xuất biểu dương, khen thưởng các đơn vị đạt kết quả tốt, nhắc nhở, phê bình các đơn vị tổ chức chưa tốt lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, báo cáo UBND thành phố.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành: Công an thành phố, Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Tài chính, Du lịch, Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai thực hiện nhiệm vụ trên.
UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn theo đúng quy định, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Kiểm soát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội, sắp xếp, bố trí các địa điểm đón tiếp, khu vực vệ sinh; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức.
Sắp xếp lại các hàng quán, đảm bảo tất cả các khu vực của di tích không được kinh doanh ăn uống; xử lý triệt để các vi phạm về kinh doanh ăn uống, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan, gây phản cảm. Đảm bảo vệ sinh môi trường tăng cường bố trí các thùng thu gom rác, tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm tại các lễ hội.
Thực hiện và công bố công khai quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội, thực hiện việc quản lý, đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích; nghiêm cấm hoạt động đổi tiền lẻ tại các di tích và lễ hội.
Đối với các đơn vị có hoạt động lễ hội diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách tham gia lễ hội; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Công bố số điện thoại đường dây nóng của quận, huyện, thị xã niêm yết công khai tại các di tích, các điểm diễn ra lễ hội để nhân dân kịp thời phản ánh về tình hình lễ hội.
Về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đón Tết vui Xuân: Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 26-12-2018 của UBND thành phố về tổ chức các hoạt động Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, kỷ niệm một số ngày lễ, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2019 và chào mừng năm mới 2020.
Tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan, trang trí trên địa bàn toàn thành phố, kết hợp trang trí chiếu sáng, đặc biệt là các trục đường chính, khu đông dân cư, đầu mối giao thông ra, vào thành phố, công viên, vườn hoa và công trình kiến trúc lớn, khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực Quảng trường Ba Đình, khu vực các quận, huyện, thị xã, trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố thông qua hệ thống các cụm pa nô cố định tại khu vực nội thành và cửa ngõ Thủ đô. Thi công các cụm mô hình, biểu tượng tại một số đảo giao thông, các quảng trường lớn; trang trí băng rôn dọc trên các trục đường tuyến phố chính; trang trí Quốc kỳ, Đảng kỳ và Hồng kỳ tại hệ thống cột cờ trước khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ và trước cửa Ngân hàng Nhà nước.
Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đảm bảo thiết thực, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, của dân tộc.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhất là các phong tục, tập quán tốt đẹp. Động viên và tạo điều kiện cho các đội thông tin tuyên truyền, đội văn nghệ lưu động và các đoàn nghệ thuật xây dựng chương trình phục vụ các tầng lớp nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ưu tiên các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân tại các vùng nông thôn, vùng xa trung tâm thành phố và các chương trình chuyên biệt dành cho thiếu nhi.
Tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân, tẩy chay các sản phẩm văn hóa độc hại, ngăn chặn việc sử dụng, phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại