Thứ hai 31/03/2025 11:25

Hà Nội: phòng chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các bệnh viện và trường học

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo bệnh sởi trong các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 618/KSBT - SKMT&YTTH về triển khai đảm bảo công tác vệ sinh, chủ động chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường học.
Tổ chức tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ em từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN
Tổ chức tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ em từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Tại các bệnh viện của Hà Nội, nhất là các bệnh viện như Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn… số lượng bệnh nhi nhập viện liên quan đến sởi và các bệnh dịch truyền nhiễm khác cũng đều có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, thời điểm này trung bình mỗi ngày khám, sàng lọc cho khoảng từ 70-90 trẻ mắc sởi, thậm chí ngày cao điểm lên tới hơn 100 ca; chưa kể hàng trăm ca bệnh khác liên quan đường hô hấp và các dịch bệnh do thời tiết chuyển mùa.

Do vậy, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo bệnh sởi trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Đồng thời, các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp ghi nhận gia tăng các trường hợp nhập viện do mắc bệnh sởi.

Các bệnh viện cũng được yêu cầu phải thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, chủ động phòng, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại đơn vị; bố trí khu vực khám sàng lọc, khu vực điều trị cách ly phù hợp.

Để thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp đủ nước sạch, phương tiện vệ sinh tay cho nhân viên y tế, có sẵn dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh.

Các bệnh viện cũng phải lên kế hoạch quản lý tất cả người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp như ho hoặc hắt hơi.., chuyển khám, sàng lọc phát hiện sớm bệnh để cách ly điều trị...

Hàng ngày, nhân viên y tế làm sạch, khử khuẩn các bề mặt dễ bị nhiễm vi sinh vật như các vật dụng xung quanh người bệnh, thành giường, tủ đầu giường và các vật dụng thường xuyên sờ vào như tay nắm cửa, vật dụng trong nhà vệ sinh, cần chú ý làm sạch và khử khuẩn đồ chơi của trẻ em…

Mặt khác, nhân viên y tế cần thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc người bệnh, cho trẻ nằm phòng cách ly đảm bảo thoáng khí, đủ ánh sáng; theo dõi sát để phát hiện kịp thời các diễn biến nặng của bệnh như trẻ mệt, li bì sốt cao, ho nhiều thở nhanh… để kịp thời xử lý.

* Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 618/KSBT - SKMT&YTTH đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn các trường học trên địa bàn triển khai đảm bảo công tác vệ sinh, chủ động chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh trong trường học.

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm, sởi…), tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue… cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; tuyên truyền vận động các gia đình, cha mẹ học sinh đưa trẻ em, học sinh đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế để tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, học sinh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (trực tiếp, gián tiếp) qua các hình thức như tuyên truyền trong giờ chào cờ hàng tuần, sinh hoạt lớp…; truyền thông gián tiếp qua loa truyền thanh, pa-nô, băng rôn, tranh tuyên truyền, bảng tin, Fanpage/Facebook, trang website của trường…

Đồng thời, hướng dẫn các trường học thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh trường học, lớp học, đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng tại các lớp học, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường hoặc dung dịch có chứa Clo hoạt tính;

Hướng dẫn các trường học tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, các hoạt động tăng cường tiêm chủng trong trường học như tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em, tổ chức tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ em từ 1 đến 5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định; rà soát, kiểm tra tiền sử, lập danh sách trẻ em và học sinh từ 1 - 10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực và tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học…

Sởi diễn biến phức tạp: phụ huynh cần chủ động tiêm phòng cho trẻ
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị bệnh sởi
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động