Thứ sáu 26/04/2024 17:37

Hà Nội: Phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp TP Hà Nội. Do đó, năm 2022 và những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ một cách hiệu quả.
Hà Nội: Phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá
TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN công nghiệp hỗ trợ

Theo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với công nghiệp hỗ trợ, Hà Nội đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống DN, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các DN được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các DN lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các DN có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước xuất khẩu.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết, phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp thành phố Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghệ hỗ trợ như điện - điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Do đó, để ngành công nghiệp hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, năm 2022, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó có khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 10%.

Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ một cách hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tổ chức giao thương, hội thảo bên lề các hội chợ trong nước và nước ngoài, bên cạnh hội chợ công nghiệp hỗ trợ của TP được tổ chức thường niên.

Tăng cường số hóa các cụm công nghiệp và hoạt động của DN trên địa bàn. Xây dựng cổng thông tin điện tử (website) về công nghiệp hỗ trợ để cập nhật thông tin chuyên ngành, thông tin về cơ chế, chính sách cũng như tạo sân chơi kết nối các DN hoạt động trên địa bàn TP...

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, để trở thành địa phương mẫu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ thì Hà Nội cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán gốc là nâng cao năng lực nội tại của DN về khoa học công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các DN trên địa bàn TP Hà Nội trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Sở Công thương Hà Nội cần tiếp tục tham mưu chính quyền TP xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn và bài bản hơn; mặt khác chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai hiệu quả những hoạt động phát triển ngành công nghiệp.

Ngoài ra, TP Hà Nội, cụ thể là Sở Công thương cần tăng cường hỗ trợ các DN trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các DN trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến chế tạo.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh, với lợi thế về công nghệ và con người, trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp, đơn cử như chính sách cấp bù lãi suất. Đây sẽ là hành lang pháp lý để Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước có cơ sở xây dựng nhiều chương trình, đề án hơn trong thời gian tới.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động