Hà Nội: Phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThời gian qua, các chương trình khuyến mại, xúc tiến thương mại… nhằm kích cầu tiêu dùng được triển khai chính là cơ sở để thương mại Thủ đô tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Văn Biên |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội những tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển biến tích cực, có nhiều điểm sáng. Chính phủ và TP đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, kích thích các ngành sản xuất phát triển, thúc đẩy đầu tư…
TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân; tập trung chỉ đạo cân đối nguồn cung, cầu xăng, dầu trên địa bàn trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng, dầu trong nước và quốc tế, góp phần tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, bên cạnh các chương trình kích cầu do TP Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn như: HaproMart, BRGMart, Co.opmart, Big C, AEON Mall, Winmart, MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng tích cực triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn thu hút người tiêu dùng.
“Để kích cầu mua sắm, đặc biệt phục vụ người tiêu dùng dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, tại các siêu thị trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều ưu đãi hấp dẫn, giảm giá tới 50% cho hàng nghìn sản phẩm thuộc các ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang, điện máy - gia dụng… Thông qua các chương trình kích cầu nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho hay, TP Hà Nội đã ban hành chương trình khuyến mãi tập trung năm 2023, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ.
Cùng với chuỗi chương trình khuyến mãi tập trung, hoạt động xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đáng chú ý là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội; phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội; tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP.
Tiếp tục giới thiệu, kết nối hơn 2.000 sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP của các tỉnh, TP và hơn 1.600 sản phẩm OCOP Hà Nội đến các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm… để tiêu thụ, phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh, TP tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, mở các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, góp phần giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô.
“Thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và bối cảnh dịch COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước…”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Hà Nội phát triển các mô hình kinh tế mới | |
Xây dựng văn hóa kinh doanh lấy chữ “Tín” làm trọng | |
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại