Thứ sáu 22/11/2024 10:50

Hà Nội: phát huy hiệu quả của mạng lưới xe buýt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TP Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang được khai thác và vận hành, hơn 4.400 điểm dừng và nhà chờ xe buýt. Việc phát triển giao thông công cộng được coi như giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại Hà Nội.
Hà Nội: phát huy hiệu quả của mạng lưới xe buýt
Việc phát triển giao thông công cộng được coi như giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đăng

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã

TP Hà Nội có quy mô dân số lên tới gần 8,5 triệu người, mật độ dân số cao, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân nhanh, nhu cầu đi lại rất lớn là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, nhất là trên những tuyến phố trong nội đô.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và giảm đươc tình trạng ùn tắc giao thông thì việc phát triển hệ thống giao thông công cộng được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước kéo giảm ùn tắc giao thông.

Thực tế, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi, thúc đẩy xe buýt phát triển. Về phía các đơn vị vận hành cũng không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt cả về phương tiện lẫn thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé…

Cùng với đó là chất lượng đoàn xe trên địa bàn Thủ đô được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực; hình thức vé xe buýt tại Hà Nội đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau; xe buýt xanh, sạch thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai; mạng lưới xe buýt của TP đã bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã, kết nối các bệnh viện, trường học, các khu công nghiệp lớn, khu đô thị, làng nghề, khu di tích lịch sử văn hóa...

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, gồm: 128 tuyến buýt trợ giá; 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. Toàn thành phố có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2.

Mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%; 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, đạt 67%; 65/75 bệnh viện, đạt 87%; 27/27 các khu công nghiệp lớn, đạt 100%; 33/37 khu đô thị, đạt 89,2%; 23/24 làng nghề, đạt 95,8%; 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, đạt 92%.

Đặc biệt, xe buýt Thủ đô hiện đã kết nối với 7 tỉnh lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học Giao thông vận tải, mặc dù mật độ mạng lưới xe buýt Hà Nội cao nhưng thường tập trung ở các trục chính, trong nội đô; thiếu các tuyến liên kết theo kiểu vòng tròn; điểm trung chuyển rời rạc, thiếu kết nối. Nhiều khu vực khó tiếp cận, cự ly đi bộ từ 0,5km đến 1km, thậm chí có khu vực trên 1,5km mới có xe buýt.

Nguyên nhân là do nhiều tuyến đường không đủ điều kiện hạ tầng để chạy xe buýt khi mặt cắt ngang dưới 5m. Nhiều khu vực có mật độ dân cư tập trung cao nhưng lại khó tiếp cận dịch vụ xe buýt; thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi của xe buýt, khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này còn kém hấp dẫn…

Xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của mạng lưới xe buýt Thủ đô, TP Hà Nội đang nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng (ít nhất có từ 4 làn xe/hướng, mỗi hướng có mặt cắt ngang từ 15m trở lên) để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.

Năm 2025, cơ quan chức năng đề xuất thí điểm 3 đoạn, tuyến đường với tổng cộng khoảng 6,5km làn ưu tiên. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, đề xuất 12 làn ưu tiên với tổng chiều dài 56,5km…Cùng với đó, xây dựng các điểm trung chuyển xe buýt lớn, tiếp cận gần các ga đầu mối, ga vành đai của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe liên tỉnh…

Mới đây, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, TP sẽ có 36 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị này.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội cho biết, mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa hai tuyến đường sắt đô thị bằng hệ thống xe buýt. Hai tuyến đường sắt đô thị được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, gồm: tuyến số 29, 49, 57, 05, 27, 38, 90, 105, 09B.

Tại kỳ họp thứ 17, với đa số đại biểu tán thành, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Theo đề án này, từ năm 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng.

Các tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong tuyến đường vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thay thế.

Trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, tỉ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh dự kiến đạt từ 70-90%, và đến giai đoạn từ 2031-2035, mục tiêu là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.

Ưu tiên phát triển đường sắt đô thị theo hướng giao thông công cộng
Hà Nội đang triển khai thủ tục đưa 5 tuyến xe buýt điện vào phục vụ hành khách
Hà Nội ngàn năm văn hiến trên từng nhà ga Metro Nhổn - Ga Hà Nội
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động