Hà Nội phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội phấn đấu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025. Ảnh minh họa |
Nhằm cụ thể hoá Chỉ thị số 01/CT-TTg về "Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tuóng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025.
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu hình thành 10.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2025; đồng thời phấn đấu hình thành 10 nhóm sản phẩm công nghệ số là sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Ngoài ra, Hà Nội cũng hướng đến mục tiêu ươm mầm được 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số có khả năng cung cấp ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Để hiện thực hoá được mục tiêu trên, TP Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Cụ thể là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ; tạo lập thị trường cho doanh nghiệp số.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số được giao phụ trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, quận, huyện, thị xã, các hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai kế hoạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, trong công tác chuyển đổi số, TP Hà Nội đã đạt một số kết quả quan trọng. Nổi bật như: Lọt Top 100 thành phố thông minh nhất thế giới năm 2024, do Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp với Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) bình chọn;
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 trục mục tiêu "Hạ tầng số - Nền tảng số - Dữ liệu số" cùng 2 trục yêu cầu "An toàn thông tin và Phát triển dịch vụ"; Hoàn thành ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành thành phố; 100% các cơ quan nhà nước triển khai ký số văn bản; Triển khai nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin dùng chung tới 3 cấp chính quyền.
Điểm nhấn trong thời gian tới là ra mắt ứng dụng "Ha Noi-S", cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Một số dịch vụ thiết thực khu vực nội đô được chỉ đạo triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, như: Kết nối hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT áp dụng dùng CCCD để tra cứu thông tin; trông giữ xe hạn chế dùng tiền mặt...
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ số nước ta có những bước phát triển đáng khích lệ, thể hiện qua hết quý 1/2024 số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoạt động tại nước ngoài, có doanh thu từ nước ngoài; tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD. Bộ Thông tin - Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024 doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỉ đồng (157,1 tỷ USD). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại