Thứ sáu 22/11/2024 06:32

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 kết quả triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 kết quả triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 6/8.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 kết quả triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 6/8.

Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội, năm 2024, ngân sách TP bố trí 110 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó 69,124 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, 40,876 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nổi bật trong hoạt động của ngành là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể như: ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều DN, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP. Đến nay, trên địa bàn TP có 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 224 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 144 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự chủ động, quyết liệt, chưa nghiên cứu các nội dung của Chương trình để đề xuất các nhiệm vụ triển khai. Nguồn kinh phí dành cho triển khai Chương trình cũng còn hạn chế nên cũng gây khó khăn trong công tác triển khai kế hoạch…

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chăm sóc hoa tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn
Ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chăm sóc hoa tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn

Quan tâm chuyển đổi số

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong cho biết, qua báo cáo và 11 ý kiến tham luận cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP nên Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nhận thức của cấp ủy cũng như người dân về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được nâng lên và thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của người đứng đầu.

Ngoài các nhiệm vụ trong dự thảo báo cáo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị, cần tập trung căn cứ chức năng nhiệm vụ nghiên cứu kỹ Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ để tham mưu đóng góp cho TP cụ thể hóa những điều quy định trong Luật. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tới câu chuyện chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, như số hóa di tích, xây dựng dữ liệu lĩnh vực nông nghiệp, dư địa còn rất lớn.

Trên cơ sở tổng kết 10 Chương trình công tác của Thành ủy, dự kiến tháng 2/2025, Ban chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội sẽ tiến hành tổng kết. Vì thế, các thành viên Ban chỉ đạo cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đề ra; lựa chọn các mô hình, kết quả tiêu biểu liên quan đến chuyển đổi số của người dân, DN… để biểu dương kịp thời.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng thông tin sớm với các trường đại học về định hướng phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc để các trường hiểu và có đề xuất cụ thể. Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Đảng ủy Khối tiếp tục chủ trì để lãnh đạo TP gặp mặt với các trường đại học thông tin về định hướng quy hoạch TP Hòa Lạc là TP khoa học, công nghệ và giáo dục đại học.

Chương trình cũng đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, DN có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, TP. TP Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm. Trong đó, trình độ phát triển của doanh nghiệp là một chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động