Hà Nội được cấp và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMã số vùng trồng giúp các sản phẩm trồng trọt của Hà Nội được quản lý và tiêu thụ hiệu quả hơn. Ảnh: Đ. Hương |
Theo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, để được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng cần bảo đảm các yêu cầu như bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Vùng trồng phải được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch. Vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất.
Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết, đến nay, TP Hà Nội đã được cấp và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300 ha, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi diễn phục vụ cho xuất khẩu.
“Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn” – bà Hoàng Thị Hòa nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, thời kỳ 4.0, bối cảnh phát triển, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, ATTP... ngày càng trở nên quan trọng. Ðăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường.
Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của việc tuân thủ quy định trong sản xuất còn khá mơ hồ. Việc áp dụng công nghệ thông tin với các địa chỉ đề nghị cấp vẫn còn hạn chế, do chủ thể được cấp chủ yếu là nông dân. Việc tích hợp thông tin điện tử trên máy tính hay trên điện thoại đều gặp khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để mở rộng các mặt hàng nông sản được xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đồng thời, tiến hành tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số. Chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, để tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh việc xây dựng hiệu quả mã số vùng trồng, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. “Đối với cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật để kiểm soát được từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” – bà Lưu Thị Hằng cho hay. |
Hà Nội có thêm vùng sản xuất rau an toàn | |
Hà Nội: Dán tem cho rau an toàn giúp người tiêu dùng dễ nhận diện | |
Đẩy mạnh mở rộng vùng sản xuất rau an toàn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại