Hà Nội: Dán tem cho rau an toàn giúp người tiêu dùng dễ nhận diện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội công bố mẫu tem “Rau an toàn Hà Nội” có lôgô của Ngành NN&PTNT với hình cây rau bắp cải để cung cấp cho các cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP. Khi mua rau, người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là rau an toàn qua tem dán trên sản phẩm.
Bước đầu, Sở NN&PTNT đã tổ chức dán tem nhận diện rau an toàn cho sản phẩm rau an toàn của xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Dự kiến, từ nay đến hết năm, toàn TP sẽ có 29 điểm, cơ sở sản xuất rau an toàn thuộc các huyện Thanh Trì, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức... được dán nhãn nhận diện sản phẩm.
Người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện rau an toàn nếu được dán tem.
Cụ thể, mỗi cơ sở, DN, HTX sản xuất rau sẽ được cấp một mã số, mã hóa tên cơ sở mình và một dấu khắc mã số để dập lên tem nhận diện hàng ngày. Bảng tra cứu mã số các cơ sở được công khai trên sàn giao dịch, rau quả và thực phẩm an toàn thông qua trang website: sanbanbuon.vn để người tiêu dùng có thể tra cứu khi cần thiết. Trước khi bán ra thị trường, tem sẽ được dán vào từng bao, gói, mớ rau.
Hiện toàn TP có 56 điểm sản xuất rau an toàn với diện tích 3.800ha, sản lượng 280.000 tấn/năm. Còn diện tích gieo trồng rau của TP khoảng 29.000ha, có ở 22 quận, huyện, thị xã, với trên 40 chủng loại rau. Như vậy, nếu dán tem toàn bộ diện tích sản xuất rau của TP cần 1 tỷ con tem mỗi năm.
Để tránh tình trạng tem giả, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết sẽ quản chặt nguồn tem, số lượng tem cung cấp cho các cơ sở sẽ được cập nhật từng ngày. Dự kiến, Sở NN&PTNT cũng sẽ đề nghị UBND TP chỉ định cơ quan in ấn để ngăn chặn tình trạng làm giả tem rau an toàn.
Với sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm, các cơ sở rau trong toàn TP mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu rau xanh cho người dân Thủ đô. Trong điều kiện vi phạm về ATVSTP xảy ra tràn lan như hiện nay, việc dán tem cho các sản phẩm rau an toàn sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn được sản phẩm rau “xịn”, tránh lo ngại về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau.
Đồng thời, việc dán tem rau an toàn cũng giúp các cơ sở sản xuất khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, không sợ sản phẩm bị nhầm lẫn với những sản phẩm thiếu an toàn khác. Đồng thời, tem nhận diện sản phẩm an toàn cũng là cơ sở để “ràng buộc” trách nhiệm của nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại về chất lượng rau và nhiều cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn người tiêu dùng không phân biệt được rau an toàn và rau thông thường. Nếu tất cả các cơ sở đăng ký bán rau an toàn đều khẳng định được chất lượng và được dán tem rau an toàn cho sản phẩm thì 60% người dân Thủ đô được sử dụng sản phẩm rau “sạch”!
H.L
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại