Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định dịp cuối năm và dịp Tết 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định dịp cuối năm và dịp Tết 2024. Ảnh: Bích Phương |
Đẩy mạnh hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, TP
Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội về khả năng cung ứng và nhu cầu một số nhóm hàng thiết yếu, dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023).
Để phục vụ Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND TP Hà Nội đã phê duyệt.
Theo đó, Sở Công Thương đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, TP tham gia, thực hiện cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn TP Hà Nội (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).
Đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, từ tháng 9/2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; trong đó đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng trước, trong và sau Tết và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng Kế hoạch, ký kết các hợp đồng mua bán hàng hóa, tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân.
Theo đó, Sở đã xác định các nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết được xác định, gồm: Nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy…
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023 sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỉ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%).
Để chủ động nguồn hàng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở thường xuyên triển khai các hoạt động kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước để hỗ trợ các đơn vị phân phối trên địa bàn tạo nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng phục vụ Nhân dân.
Cụ thể, trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khoảng 40 hoạt động giao thương kết nối trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành. Kết quả, đã hỗ trợ, giới thiệu được trên 3.000 sản phẩm OCOP các tỉnh, TP về thị trường Hà Nội; hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 500.000 tấn hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô…
"Cùng với việc xây dựng kế hoạch, chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung hàng hóa; đề đảm bảo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 159 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông lâm sản an toàn trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, TP; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn" - bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Triển khai các chương trình, sự kiện kích cầu mua sắm dịp cuối năm
Để đảm bảo tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2024 hiệu quả, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến mở rộng khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường và giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi; phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên địa bàn Thành phố hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trên địa bàn Thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với hàng Việt, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp của TP Hà Nội đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân thông qua Chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" của TP Hà Nội. Do đó, các sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận trực tiếp và rất gần với người tiêu dùng Thủ đô.
Bên cạnh đó, doanh nghiêp cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, đơn vị đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.
Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 của Saigon Co.opmart lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20 - 50% tuỳ theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các chợ hoa Xuân; tổ chức các điểm, chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các sự kiện thực hiện Kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024 và các sự kiện của Thành phố thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết phục vụ Nhân dân…
Bà Đỗ Tuệ Tâm - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để chuẩn bị hàng hoá phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp đã tăng khối lượng hàng hoá dự trữ gấp 3 lần. 42 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ được vận hành liên tục cho đến cuối ngày 30 Tết và bắt đầu trở lại phục vụ người dân từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại